Thứ năm, 25/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 25/04/2024 Phát thanh, truyền hình

Chủ nhật, 02/04/2017

Các đài truyền hình phải nắm thế chủ động trong sản xuất truyền hình liên kết

Các đài truyền hình phải nắm thế chủ động trong sản xuất truyền hình liên kết

Những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các công ty truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực PT-TH thì mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan báo chí và các đơn vị đối tác trong sản xuất nội dung càng trở nên mạnh mẽ khi nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa sản xuất nội dung chương trình PT-TH. Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các Đài PT-TH huy động nguồn lực xã hội để sản xuất chương trình, các kênh PT-TH trong nước theo hình thức liên kết, nhằm đáp ứng ngày càng cao của người dân, nhất là các chương trình liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội.

Thời gian qua vẫn còn một số chương trình truyền hình liên kết, xã hội hóa, đặc biệt là chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có chất lượng chưa cao, nội dung hời hợt, lời thoại nhảm nhí, hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn từ trong giới trẻ khiến phụ huynh bức xúc. Đã xảy ra không ít sai phạm về nội dung trong các chương trình liên kết và bị cơ quan quản lý xử phạt, nhắc nhở. Do đó, các đài PT-TH phải có giải pháp để kiểm soát nội dung chương trình khi liên kết, xã hội hoá sản xuất.

Không ít ý kiến cho rằng, việc ra đời một kênh truyền hình xã hội hóa rất dễ dàng, nhưng để tồn tại được là điều không đơn giản. Thực tế chưa có kênh truyền hình xã hội hóa nào sống được bằng nguồn chương trình trong nước. Chủ yếu các kênh vẫn mua bản quyền chương trình nước ngoài để phát sóng, đa phần là chương trình giải trí, phim truyện, gameshow, truyền hình thực tế… nhằm thu hút quảng cáo bù đắp chi phí. Tuy nhiên điều này dẫn đến nội dung chương trình truyền hình bị mất cân đối giữa nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị và nội dung giải trí.

Trên thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra không ít sai phạm về nội dung trong các chương trình liên kết và đã bị cơ quan quản lý xử phạt, nhắc nhở. Điều này đặt ra yêu cầu trong liên kết sản xuất chương trình truyền hình, các đài PT-TH phải có giải pháp để kiểm soát nội dung chương trình vừa đảm bảo tăng nguồn thu, đa dạng hóa nội dung vừa đảm bảo không bị đối tác liên kết chi phối.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017 và tổng kết phong trào thi đua năm 2016 lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Hà Nội vào sáng ngày 22/3/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn lưu ý các đài việc phải tự chủ tài chính từ 2020,  khi đó nhà nước sẽ thực hiện cơ chế đặt hàng các đài PT-TH thực hiện những chương trình tuyên truyền thiết yếu, các đài phải thực hiện nghiêm lộ trình này. Thời gian đầu sẽ có một số đài gặp khó khăn nhưng không có nghĩa tự chủ tài chính là bằng mọi giá phải tăng nguồn thu mà bỏ quên nhiệm vụ chính trị.

Bộ trưởng nhấn mạnh đối với các chương trình liên kết, xã hội hóa phải nắm được quyền chủ động trong các hoạt động liên kết, không để đối tác thao túng. Đừng để liên kết trá hình thành hiện tượng “bán kênh, bán sóng”, để tư nhân thao túng nội dung chương trình.

Liên quan đến quản lý nội dung truyền hình, ông Nguyễn Công Đán, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên đề nghị Bộ TT&TT quản lý chặt chẽ việc phát sóng phim nước ngoài và trò chơi trên truyền hình. Theo ông Đán, Bộ TT&TT cần xem xét xử phạt những nội dung có ngôn từ phản cảm trên sóng truyền hình phát thanh, trên nhiều chương trình giải trí xuất hiện nhiều hình ảnh hở hang, đầu tóc, trang phục trái với thuần phong mỹ tục. Nhiều game show không mang tính giáo dục.  “Ví dụ một gala trên truyền hình, MC nữ nói với MC nam ít tuổi hơn “chị là người thích lái phi công trẻ”, nghe rất thiếu văn hóa thế mà vẫn lên sóng được. Rất nhiều đài PT-TH địa phương thiếu chương trình nên phát chủ yếu là phim nước ngoài. Có đài địa phương một ngày chiếu tới 5-6 tập phim, như vậy người Việt Nam suốt ngày chỉ xem phim nước ngoài. Đề nghị Bộ TT&TT cần có quy định đài truyền hình địa phương chỉ chiếu 2 tập phim mỗi ngày, hạn chế các trò chơi không mang tính giáo dục”, ông Đán kiến nghị.