Thứ bảy, 20/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 20/04/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ tư, 30/09/2020

Hiệp hội Truyền hình cầu cứu Thủ tướng ngăn chặn sự "bành trướng" của dịch vụ OTT xuyên biên giới

Tránh tình trạng “bảo hộ ngược”

Theo VNPayTV, dịch vụ truyền hình OTT nói chung thực chất là các video nội dung chương trình truyền hình, hiện nay hầu như tất cả các đài truyền hình và các đơn vị truyền hình trả tiền, đơn vị viễn thông trong nước đều có ứng dụng truyền hình OTT này và đã được sự quản lý nội dung theo Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Netflix, WeTV, iFlix, Amazon TV. Đặc biệt là dịch vụ Netflix (của Mỹ) vừa qua đã giới thiệu vào Việt Nam các bộ phim, chương trình truyền hình chưa tuân thủ quy định quản lý nội dung của Việt Nam, đặc biệt có nội dung xuyên tạc lịch sử, chủ quyền quốc gia Việt Nam, nội dung phim kích động bạo lực, khiêu dâm… đã được báo chí trong nước phản ánh và đấu tranh.

Nhận thấy điều bất cập này, ngay từ đầu, VNPayTV đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp. Với quan điểm nhất quán là kiến nghị chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa hội đủ các điều kiện công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt biên dịch, biên tập nội dung chương trình như quy định Luật Báo chí Việt Nam, để đảm bảo yêu cầu an ninh thông tin truyền thông trên mạng Internet và nhất là tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”. Hiện nay các đơn vị cung cấp nội dung trong nước thì phải tuân thủ nghiêm ngặt còn các đơn vị nước ngoài thì không những không thực hiện các quy định cần thiết, mà còn vi phạm Luật báo chí và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền phản động, chống đối nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Về dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới được các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh, cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ, về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải thể thao, giải bóng đá hấp dẫn thế giới như Ngoại hạng Anh.

Tây Ban Nha, Ý, Pháp… Với khối lượng nội dung thông tin xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam, chuyên ngữ tiếng Việt không được xem xét kiểm soát về nội dung đặc biệt là các chương trình phát trực tiếp … sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy trình của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, tác động sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Hiệp hội Truyền hình cầu cứu Thủ tướng ngăn chặn sự "bành trướng" của dịch vụ OTT xuyên biên giới.

Cũng theo VNPay TV, trong khi đó, với bao nhiêu khó khăn, thách thức ban đầu, hàng chục năm qua trên lĩnh vực truyền thông, viễn thông, các Đài phát thanh, truyền hình chủ lực như VTV, HTV, cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước (SCTV, Viettel, FPT, VNPT, VTVcab, HTVC) sản xuất, truyền dẫn trên 90% nội dung chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân trên mọi vùng miền Tổ quốc, tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo Luật định cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời làm tốt nghĩa vũ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.

Hồi giữa năm 2019, một số tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội Internet. Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ có ý kiến không đồng ý kiểm duyệt nội dung chương trình dịch vụ OTT xuyên biên giới thực chất là muốn lách luật, không đúng tinh thần của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh hiện tại tại Việt Nam, việc này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị truyền hình, truyền hình trả tiền trong nước đã và đang tuân thủ nghiêm các quy định về kiểm duyệt nội dung, vô hình chung, điều này sẽ là “bảo hộ ngược” đối với các đơn vị kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới của nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT

VNPayTV đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành liên quan xem xét và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật đủ sức chế tài quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.

Cụ thể như sau: Nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn chưa có công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước thì: Tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Netflix, iFlix, Amazon, Facebook (Mỹ), WeTV, iQiyi (Trung Quốc).

Đồng thời, VNPayTV kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP tại khoản 4, Điều 5 tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước, như sau:

“4. Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí; quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông; mọi hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và nghị định này; các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan”.

Nguồn: https://dientungaynay.vn/media/hiep-hoi-truyen-hinh-cau-cuu-thu-tuong-ngan-chan-su-banh-truong-cua-dich-vu-ott-xuyen-bien-gioi

BBT