Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 08/05/2020

Hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng chuyên đề lĩnh vực phát thanh, truyền hình năm 2020

Nhằm phát động và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng Khối thi đua Đài Phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử hướng dẫn các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng chuyên đề lĩnh vực phát thanh, truyền hình năm 2020 như sau:

I. Phát động và đăng ký thi đua năm 2020 theo 5 nội dung:

1.Thực hiện tốt sứ mạng của báo chí cách mạng đó là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan phải nâng cao trách nhiệm, quán triệt và triển khai có hiệu quả định hướng công tác báo chí của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, triển khai có hiệu quả định hướng công tác báo chí của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến công tác quản lý thông tin báo chí; tăng cường công tác quản lý thông tin; tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho Nhân dân để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của báo chí, phục vụ tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội đảm bảo khách quan, chính xác; phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại; xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp; tăng cường kiểm soát, hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm, không phù hợp với trẻ em; thường xuyên nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức: sử dụng, khai thác thông tin trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người dân tự mình sàng lọc những nội dung xấu, khai thác những thông tin có lợi phục vụ nhu cầu thông tin giải trí lành mạnh; ngăn chặn vi phạm bản quyền và các dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới.

2. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí, phát thanh, truyền hình. Chủ động nghiên cứu và tham gia góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực trong thời gian tới để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí của hệ thống phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tác nghiệp,... giúp báo chí phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các Đài phát thanh, truyền hình cần:

- Chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sớm chuyển đổi từ cơ chế cấp phát kinh phí sang cơ chế đặt hàng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu.

- Trong trường hợp các địa phương có chủ trương đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hoạt động của các cơ quan báo chí trong tỉnh, thành phố (thành lập mới trung tâm truyền thông chung hoặc hợp nhất các cơ quan Đài, báo), các Đài phải tích cực tham gia xây dựng đề án, đồng thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phối hợp và trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để bảo đảm đơn vị mới thành lập phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Tích cực, chủ động chuyển đổi mô hình tổ chức để tập trung vào nhiệm vụ sản xuất chương trình nhằm nâng cao chất lượng nội dung, tiến tới hình thành ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước. Đặt vấn đề kinh tế báo chí và giải quyết vấn đề kinh tế báo chí một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm của báo chí nước ta, phù hợp trong bối cảnh và xu hướng phát triển truyền thông hiện đại. Chủ động, nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, mở rộng thị trường, đối tượng khách hàng;  xây dựng lộ trình, kế hoạch thu hút quảng cáo, dịch vụ trên các loại hình báo chí; đổi mới công tác quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác khai thác quảng cáo, dịch vụ; tăng cường công tác kiểm soát chi bảo đảm chi đúng, chi đủ theo chế độ hiện hành.

- Đổi mới phương thức trao đổi, hợp tác sản xuất chương trình, đề ra các nội dung sinh hoạt chuyên đề và các hoạt động giao lưu, hợp tác khác giữa các Đài phát thanh, truyền hình trong Cụm, giữa các Cụm thi đua nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thi đua.

- Tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho Lãnh đạo Đài phát thanh, truyền hình và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ phát triển phát thanh, truyền hình trong giai đoạn mới. Các Đài phát thanh, truyền hình phải tạo ra các chuẩn mực, quy chuẩn trong hoạt động, trong hành vi, ứng xử của từng phóng viên; phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với các tác phẩm báo chí của mình, phải cảm thấy tự hào, cao quý khi mình có sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của cả xã hội, tới hàng triệu người dân.

- Tích cực chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm tốt giữa các đơn vị trong ngành, kinh nghiệm của quốc tế; có chính sách khuyến khích, tập trung vào các ưu tiên phát triển của mỗi Đài bảo đảm giải quyết căn bản, từng bước những khó khăn và vươn lên phát triển bền vững.

4. Đổi mới mạnh mẽ, căn bản hình thức, nội dung thi đua, sinh hoạt Cụm theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua khen thưởng với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thúc đẩy phát triển ngành:

- Trong sinh hoạt Cụm cần lưu ý lựa chọn các vấn đề lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của Đài và tổ chức các cuộc Hội thảo cùng thảo luận, tìm hướng tháo gỡ hoặc đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết; đổi mới phương thức trao đổi, hợp tác sản xuất chương trình giữa các Đài trong Cụm và liên Cụm;

- Chủ động chuyển đổi mô hình, phải có chính sách khuyến khích, tập trung vào các ưu tiên phát triển của từng Đài; đối với nhiệm vụ sản xuất chương trình phải xác định sự khác biệt của mình; có nhiều sản phẩm báo chí mang thương hiệu của mình, có chất lượng cao, có tính chuyên sâu, là những sản phẩm xuất sắc, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân vừa mang lại giá trị, nguồn thu lâu dài.

- Chủ động tuyên truyền và đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng “rating ảo”, với các hành vi tác động làm sai lệch chỉ số đo lượng người xem truyền hình; chỉ sử dụng nguồn số liệu đo tin cậy, chính xác, đặc biệt là trong việc đánh giá hiệu quả các chương trình tuyên truyền trên các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương.

- Kiểm soát chặt các chương trình, kênh chương trình liên kết, đảm bảo kênh chương trình thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội dung quy định trong Giấy phép.

5. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho lãnh đạo Đài và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên:

- Chú trọng khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá. Tôn vinh giá trị cống hiến, tinh thần cũng cần phải khen thưởng vật chất tương xứng và kịp thời nhằm động viên, khuyến khích, phát triển, nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tập thể có đóng góp tích cực nhằm phát huy vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, nâng cao dân chủ trong đời sống xã hội.

- Tổ chức triển khai phong trào thi đua của Cụm kết hợp với vấn đề phát triển ngành, trong đó có sự tham gia của tất cả các đơn vị đang hoạt động trong ngành (bao gồm cả các Đài quốc gia như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia) và các doanh nghiệp, qua đó tạo ra nhiều cơ hội cùng hợp tác, cộng sinh lẫn nhau để đề ra các giải pháp hiệu quả phát triển toàn ngành.

II. Đăng ký danh hiệu và hình thức khen thưởng trong phong trào thi đua năm 2020:

1. Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông

- Tặng cho Đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua (mỗi Cụm 01 Cờ), không nhất thiết là Đài giữ vai trò Cụm trưởng.

2. Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông

- Tặng cho tập thể Đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phong trào thi đua tiêu biểu nhưng số lượng không quá 35% số Đài tỉnh, thành phố trong Cụm.

- Tặng cho cá nhân Cụm trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua.

- Tặng cho cá nhân là công chức, viên chức tiêu biểu nhất trong trào thi đua đang công tác tại Đài tỉnh, thành phố (Mỗi Đài được bầu chọn 02 cá nhân) Trong đó, đặc biệt chú ý việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến và quan tâm, khen thưởng công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tác nghiệp, sản xuất chương trình; cá nhân có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động, công tác tại Đài.

* Lưu ý: Mỗi Đài chỉ đăng ký danh hiệu Cờ hoặc Bằng khen, không đăng ký cả 02 loại. Việc xác định thành tích, suy tôn Cờ hoặc Bằng khen diễn ra tại Hội nghị Tổng kết của các Cụm căn cứ vào việc đăng ký thi đua đầu năm và kết quả thi đua thực tế của mỗi Đài trong Cụm.

III. Công tác tổ chức phong trào thi đua

1. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng vùng, miền, các Cụm thi đua, điều kiện hoàn cảnh của đơn vị Cụm trưởng tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua kết hợp với các hoạt động chuyên môn khác hoặc chỉ cần gửi nội dung thi đua của Cụm cho các Đài phát thanh và truyền hình trong Cụm, tổng hợp đăng ký thi đua của từng Đài gửi về Cục; dành thời gian và đầu tư nội dung cụ thể, có chất lượng, thiết thực cho Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và Hội nghị Tổng kết cuối năm.

2. Các Cụm trưởng xây dựng các tiêu chí thi đua, thang điểm phù hợp và chủ động sắp xếp, dự kiến kế hoạch, nội dung tổ chức Ký kết giao ước thi đua, Sơ kết, Tổng kết và thông báo sớm về Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để Cục có điều kiện bố trí, sắp xếp, tham dự đầy đủ. Đồng thời, Cụm trưởng Cụm thi đua mời đại diện Lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng (Thường trực Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) tham dự để đánh giá, ghi nhận kết quả hoạt động của các Cụm đối với phong trào thi đua do Bộ phát động.

* Lưu ý: Tổ chức Sơ kết phong trào thi đua 6 tháng đầu năm 2020 (tùy điều kiện của các Cụm có thể tổ chức Sơ kết bằng hình thức trực tuyến). Đề nghị Cụm trưởng gửi Kế hoạch tổ chức sơ kết về Cục trước ngày 15/6/2020 và gửi kế hoạch tổng kết phong trào thi đua năm 2020 về Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trước ngày 15/11/2020.

Không xem xét thi đua khen thưởng cho các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có báo cáo sơ kết, tổng kết phong trào thi đua trong năm 2020.

Toàn văn văn bản số 651/PTTH&TTĐT ngày 28/4/2020 được cập nhật dưới đây.

https://drive.google.com/open?id=1VD3kxOK-F_eyCKD-_Z3Sf3R-tDt0C4x_

BBT