Thứ năm, 25/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 25/04/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 28/12/2018

Truyền hình, báo in sẽ hết lợi thế khi bạn đọc chuyển sang các loại hình video trên internet

Nic Newman, một trong những thành viên sáng lập trang web BBC và hiện làm việc cho Viện nghiên cứu Reuters cho rằng, báo chí đang chịu sức ép nặng nề từ các công ty như Google hay Facebook. Truyền hình, báo in sẽ không còn lợi thế nữa mà giờ bạn đọc chuyển sang các loại hình video trên internet và thích xem nghe hơn là đọc, điều này cũng kéo theo việc quảng cáo trên báo chí dần dần sẽ không còn là nguồn thu chính của các tờ báo nữa.

Lấy ví dụ từ Hàn Quốc, ông Yoon Young Chul, giáo sư tại trường đại học Yonsei, Chủ tịch hiệp hội nghiên cứu báo chí và truyền thông Hàn Quốc, lo lắng rằng các ứng dụng công nghệ như Naver đang làm mất dần bản sắc của báo chí. Naver là trang tìm kiếm số 1 ở Hàn Quốc với nhiều ứng dụng hữu ích cho người đọc, trong đó Naver trả tiền cho các báo để đưa tin tức của các báo chí Hàn Quốc lên trang của mình.

Ông Yoon Young Chul tin rằng dù Naver trả tiền cho báo chí Hàn nhưng việc người đọc đọc nhiều trên trang Naver hơn là vào đọc trực tiếp của chính tờ báo sẽ làm cho báo chí mất dần bản sắc, bạn đọc sẽ quên mất tên tờ báo hay tác giả của bài báo đó mà chỉ biết đến Naver. Ngoài ra các tương tác, bình luận cũng sẽ diễn ra chủ yếu ở Naver chứ không phải trên trang báo chính của bài báo đó. Thống kê của Reuters Institute (Viện Reuters) cho thấy chưa đến 50% số người đọc tin báo chí qua các cổng công nghệ khác nhớ được tên tờ báo đó.

Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ, Google hay mạng xã hội đang đặt báo chí vào một cuộc cạnh tranh gay gắt bởi xuất bản thông tin giờ không còn là đặc quyền của báo chí nữa và các loại hình báo chí truyền thống cũng không còn là sự lựa chọn số một của độc giả trên toàn thế giới.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-Yeon khẳng định: "Quyền lực của báo chí đang suy giảm vì giờ ai cũng có thể đưa tin. Bạn đọc bây giờ cũng thay đổi vì họ không chỉ đọc báo giấy, xem truyền hình mà chuyển hết sang xem nội dung trên mobile”. Chính bởi vậy Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng báo chí phải thay đổi để bắt kịp với thời đại mới.

Những thay đổi chóng mặt của nền tảng công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội đã buộc báo chí đứng trước câu hỏi: Liệu báo chí có biến mất, làm cách nào để báo chí duy trì được vai trò của mình trong tương lai?

Phần lớn câu trả lời được nêu ra trong hội thảo đều đi thẳng vào vấn đề: Báo chí phải tự thích ứng để thay đổi phù hợp với xu thế thời đại.

Có một sự thật không thể thay đổi là thông tin trên báo chí có trách nhiệm hơn thông tin trên mạng xã hội. Theo ông David Levy, Giám đốc viện Reuters Anh, cuộc khảo sát của tổ chức này tiến hành ở nhiều nước cho thấy, trong thời đại tràn lan tin giả, chỉ có 24% người tin rằng tin trên mạng xã hội là có sự phân biệt rõ ràng giữa tin giả và tin hư cấu. 40% người đọc tin rằng báo chí đã làm tốt việc tách bạch giữa tin thật và tin giả. Bởi vậy đây là lúc các nhà báo cần siết chặt việc kiểm tra thông tin để tăng cường độ tin cậy với độc giả, giữ chân độc giả bằng niềm tin vào nguồn tin của mình. Mỗi thông tin đưa ra cần có sự kiểm tra chéo ít nhất 3 lần về độ chính xác của thông tin.

Ở một góc độ khác, báo chí cũng phải liên tục đổi mới, cập nhật công nghệ để đảm bảo nội dung của mình sẽ luôn hấp dẫn, mới mẻ với độc giả. Từng đoạt giải Pulitzer năm 2002 cho bộ ảnh Cuộc tấn công ngày 11/9 và hậu quả, phóng viên ảnh Lee Chang Wook của tờ New York Times đã giới thiệu những kỹ thuật chụp ảnh ứng dụng công nghệ mới, tạo hiệu ứng đặc biệt hấp dẫn với người xem. Ngoài ra, nhóm thiết kế Thực tại ảo của tờ Guardian cũng trình chiếu hình thức quay clip thực tại ảo gây ấn tượng mạnh.