Thứ sáu, 19/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 19/04/2024 Số hóa truyền hình

Thứ năm, 11/08/2016

Hà Nội ngắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/8/2016

Sáng ngày 10/8/2016, Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc nhằm tháo gỡ những khó khăn liên quan đến triển khai Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay, Bộ TT&TT đã và đang nỗ lực triển khai đề án số hóa truyền hình tại 4 thành phố lớn với quyết tâm cao. Sau khi thực hiện thành công tắt sóng “mềm” vào ngày 15/6, trong những ngày qua, Bộ TT&TT đã tiến hành làm việc với UBND TP Hải Phòng, Cần Thơ, lãnh đạo cả hai địa phương đều thống nhất với tinh thần tiến công, tập trung tháo gỡ khó khăn để quyết tâm tắt sóng truyền hình analog đúng vào ngày 15/8/2016 tới.

Mặc dù tại Hà Nội vẫn đang triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình cho 22.000 hộ nghèo, cận nghèo đợt 2 nhưng ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thống nhất sẽ thực hiện đúng lộ trình tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/8.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, vào phiên họp Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình ngày 12/8/2016, Bộ TT&TT sẽ báo cáo với Ban chỉ đạo việc 4 thành phố lớn đã sẵn sàng cho ngày tắt sóng truyền hình analog đúng như kế hoạch đề ra.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu mới đây của TNS, sau khi Hà Nội triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo đợt 1, có 95% số hộ ở Hà Nội đã thu xem truyền hình số bằng nhiều phương thức khác nhau. 5% còn lại sẽ phải chuyển đổi sang thu xem truyền hình số. Với con số này đã đủ điều kiện để có thể ngắt sóng truyền hình analog.

Liên quan đến khâu chuẩn bị cho Đề án số hóa truyền hình ở Hà Nội, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho hay, ngay từ năm 2014 đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình của thành phố. Riêng công tác tuyên truyền có kế hoạch riêng, Hà Nội đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền tới người dân. Các mục tiêu cơ bản của tuyên truyền đạt yêu cầu mà Bộ TT&TT đề ra. Trước khi ngắt sóng truyền hình analog 3 tháng toàn bộ người dân của Hà Nội đã biết về đề án số hóa, một số lượng đông đảo người dân chủ động chuyển đổi phương thức thu xem truyền hình số.

Bà Tú cũng đưa ra đề nghị Bộ TT&TT cắt sóng analog vào đúng ngày 15/8. Hiện nay vướng mắc lớn nhất là còn hơn 20.000 hộ nghèo, cận nghèo chưa trang bị kịp đầu thu, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ kịp thời.

Ở khâu phát sóng cả hai đơn vị truyền dẫn phát sóng là VTV và RTB (Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng) đều cho hay đã đảm bảo vùng phủ sóng số tốt hơn vùng phủ sóng analog. Theo đại diện Trung tâm truyền dẫn phát sóng của VTV, VTV đã bắt đầu triển khai hệ thống phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 từ 2012 tại Hà Nội và TP.HCM, tiếp theo là 3 TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Nam Định. Tại Hà Nội về cơ bản ở các địa bàn đều thu sóng tốt. Tuy nhiên, ở nội thành do bị các tòa nhà cao tầng che chắn nên một số vùng bị lõm sóng.

Vị đại diện này cũng chia sẻ sóng DVB-T2 của VTV trong nội thành không được tốt như của AVG vì AVG có nhiều trạm lặp trong thành phố, còn ra ngoại thành do địa hình không bị che chắn nên khả năng sóng tốt hơn. VTV đang phát thử nghiệm kênh địa phương của Vĩnh Phúc và Hà Nội theo chuẩn HD. Vùng phủ sóng số DVB-T2 rộng hơn sóng analog, sắp tới VTV triển khai mạng đơn tần sẽ phát triển thêm các trạm lặp thì chất lượng thu sóng tốt hơn nữa.

Bà Lại Thị Bích, đại diện RTB cho hay, công ty đã lắp được 3 trạm chính ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, 2 trạm phụ ở Kiến An và Đồ Sơn. RTB đảm bảo phủ sóng truyền hình số 80% diện tích đồng bằng Bắc Bộ, ở đâu có sóng analog là có sóng truyền hình số.

Tại Hà Nội, RTB đã ký hợp đồng với Đài PT-TH Hà Nội phát kênh H1 theo chuẩn HD, H2 chuẩn SD, cam kết băng thông 2Mb cho kênh SD và 5Mb cho kênh HD. Liên quan đến chất lượng sóng truyền hình số, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cảnh báo cả hai đơn vị phát sóng là VTV, RTB cần lưu ý đến việc trong khu vực nội thành có thể có những vùng bị che khuất, ảnh hưởng tới chất lượng thu xem của người dân. Trong tương lai có thể các hộ gia đình ở góc khuất sẽ không xem được truyền hình số. VTV và RTB cũng phải có phương án nghiên cứu để xử lý. VTV sẽ tự phát sóng các chương trình của mình nhưng trong trường hợp khó khăn có thể phối hợp với doanh nghiệp truyền dẫn để phát ở những địa bàn VTV không ưu tiên.

Theo ông Hoan, mặc dù RTB đang phát sóng bằng hai máy có công suất khá lớn, K49 diện phát sóng lớn, vùng phủ sóng rộng nhưng RTB cũng có thể bị hạn chế giống VTV vì khi chỉ có một điểm đặt máy phát sóng thì những vùng khuất sóng trong địa bàn cao tầng là có thể xảy ra.