Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Số hóa truyền hình

Thứ năm, 23/02/2017

Số hóa truyền hình: Các đài địa phương nên chọn nhà phát sóng nào?

Các đài truyền hình địa phương cần tính tới giải pháp lâu dài khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Theo quy hoạch, chỉ có các nhà phát sóng khu vực là được cấp đủ tần số để cung cấp dịch vụ cho các đài địa phương, kể cả khi các đài có nhu cầu phát sóng cả hai chuẩn SD và HD.

Khi triển khai số hóa truyền hình một trong những việc quan trọng mà các đài PT-TH địa phương phải cân nhắc là lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình địa phương. Câu hỏi đặt ra là các đài truyền hình nên lựa chọn nhà phát sóng khu vực hay phát sóng toàn quốc?

Theo quy hoạch tần số vô tuyến điện, có 5 đơn vị được cấp mỗi đơn vị 3 kênh tần số để truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Nhưng trong đó chỉ có 3 đơn vị đủ điều kiện về giấy phép để cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được cấp phép cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, còn hai công ty là Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực Nam Bộ, Công ty Cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC được quy hoạch cho 3 kênh tần số để phát sóng truyền hình số, tuy nhiên VTV và VTC chưa hình thành được doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định của Luật Viễn thông nên các kênh tần số này chỉ dùng để phát sóng các kênh của các đài này, còn hai đơn vị này chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV, VTV sẽ không thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng mà sẽ giữ nguyên mô hình Trung tâm truyền dẫn phát sóng là đơn vị sự nghiệp của VTV như hiện nay. Do đó, VTV sẽ không tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng mà chỉ triển khai hạ tầng tại những khu vực được nhà nước giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vướng mắc trong khâu truyền dẫn phát sóng truyền hình số nằm ở chỗ một số đài truyền hình địa phương đang có thỏa thuận phát sóng trên hạ tầng của VTV từ trước đây.

Cụ thể, theo bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị RTB, trong giai đoạn tắt sóng 30/12/2016, có 5 tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số mà RTB được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đã có thông báo chính thức không sử dụng dịch vụ của RTB do đã phát sóng trên hạ tầng của VTV nên trong năm 2017 sẽ không có kinh phí để thuê RTB phát sóng. Chính vì thế, RTB đã hạ sóng kênh Truyền hình Hải Dương trên hệ thống. Còn 4 tỉnh khác vẫn trong quá trình làm thủ tục để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Đến thời điểm tắt sóng truyền hình analog vào 1/7/2017 có 7 tỉnh nằm trong vùng phủ sóng thuộc trách nhiệm của RTB nhưng có 2 tỉnh đang truyền dẫn kênh địa phương trên hạ tầng của VTV là Nam Định và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang đã chính thức có công văn trả lời sẽ không sử dụng dịch vụ của RTB.

Theo bà Bích, tại 7 tỉnh sắp sửa tắt sóng, RTB đã đầu tư 9 trạm phát sóng và phủ sóng tới 80% ở các khu vực này, RTB sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ do Bộ TT&TT giao. RTB sẽ phải triển khai thêm các trạm lặp để phủ sóng tại 20% vùng lõm ở các tỉnh này. Nhưng có một khó khăn rất lớn là nếu RTB đầu tư để phủ sóng nhưng lại không ký được hợp đồng dịch vụ, không thu được tiền thì sẽ khó khăn trong bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

 
 
 
 

Mới đây RTB đã chính thức xin ý kiến Bộ TT&TT về việc sẽ không đầu tư lắp đặt máy phát sóng DVB-T2 tại những tỉnh không ký hợp đồng dịch vụ với RTB. Đồng thời cho phép sử dụng băng thông còn dư để phát sóng kênh dịch vụ nhằm bù đắp chi phí đầu tư.

Trong số hai doanh nghiệp phát sóng khu vực là RTB và SDTV chỉ có một mình RTB gặp phải khó khăn khi triển khai cung cấp dịch vụ cho các đài PT-TH tỉnh, còn SDTV thì nhận được sự ủng hộ của tất cả các đài PT-TH trong khu vực Nam Bộ.

Các đài địa phương cần tính giải pháp lâu dài khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, vướng mắc nằm ở chỗ VTV cần phải thông báo rõ cho các đài PT-TH địa phương về việc phát dịch vụ và phát hỗ trợ ngay khi VTV thỏa thuận hợp tác với các đài địa phương. VTV chỉ được cấp 3 kênh tần số, VTV không thể xác lập mạng đa tần để phát sóng 9 kênh HD của VTV mà buộc phải chuyển sang mạng đơn tần. Khi chuyển sang mạng đơn tần, VTV sẽ không đủ băng thông để phát cả chuẩn SD và HD cho các đài địa phương khi các tỉnh có yêu cầu. Hiện nay hầu hết các đài tỉnh đều có xu hướng phát sóng chuẩn HD, VTV chắc chắn không đáp ứng được.  

“RTB và SDTV đã được cấp tần số đủ để cung cấp dịch vụ ổn định và lâu dài cho các đài tỉnh, còn VTV thì về lâu dài sẽ không thể đáp ứng được. Bộ TT&TT cũng khó chấp nhận đề nghị cấp thêm băng tần cho VTV. VTV phải tuyên truyền để các địa phương đang phát sóng trên hạ tầng của VTV rõ điều này, hai là là VTV phải có giải pháp để giải phóng băng tần, trả tần số về đúng quy hoạch đã được phân bổ”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan lưu ý các đài địa phương, VTV hỗ trợ các địa phương phát sóng là điểm tốt, nhưng có vấn đề là khi VTV lên mạng đơn tần thì khả năng triển khai hỗ trợ địa phương sẽ khó tiếp tục. Về lâu dài VTV không đủ điều kiện hỗ trợ các đài tỉnh phát sóng chuẩn HD. Trong khi quy hoạch tần số, RTB đã được cấp tần số để đáp ứng cả hai yêu cầu này. Vì bài toán kinh doanh, RTB sẽ phải khai thác hết băng thông. Do đó, nếu các địa phương chậm chân không ký hợp đồng với RTB, RTB bán hết băng thông cho đơn vị khác, khi các địa phương có nhu cầu sẽ khó được đáp ứng.

Liên quan vấn đề phát sóng các kênh truyền hình địa phương, ông Đỗ Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV cho biết, VTV ý thức rất rõ việc không thể dùng nhiều kênh tần số. Trước đây khi VTV phát sóng truyền hình số tại một số tỉnh thì chưa có doanh nghiệp nào triển khai nên địa phương có đề nghị VTV cam kết phát kênh địa phương đó. Hiện nay, VTV muốn chuyển sang phát sóng mạng đơn tần, nhưng quá trình chuyển đổi ở các tỉnh rất khó khăn.

Bộ TT&TT cũng đang xem xét việc sẽ sửa đổi, cho phép các doanh nghiệp phát sóng khu vực như RTB và SDTV được mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ để đảm bảo sự công bằng trong thị trường cạnh tranh.

ictnews.vn