Thứ năm, 25/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 25/04/2024 Số hóa truyền hình

Thứ ba, 26/07/2016

VTC đề xuất giải pháp chống tràn sóng truyền hình qua vệ tinh

Mới đây, ông Phan Minh Thế, Giám đốc VTC Digital đã đưa ra đề xuất Bộ TT&TT xem xét nghiên cứu việc yêu cầu phải tích hợp bảo vệ nội dung truyền hình cho các tín hiệu phát sóng quảng bá vệ tinh và các đầu thu vệ tinh được cung cấp theo kế hoạch hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Điều này góp phần bảo hộ sản phẩm sản xuất trong nước, chống hàng giả, hàng nhái và nhập lậu tràn lan đối với các sản phẩm đầu thu truyền hình vào Việt Nam.

Theo ông Thế, vệ tinh VINASAT có diện phủ sóng lớn, ngoài 3 nước Đông Dương, VINASAT còn phủ sóng đến một phần Thái Lan, Myanma. Vì vậy, với các tín hiệu truyền hình số vệ tinh phát sóng phục vụ số hóa truyền hình sẽ xảy ra vấn đề tràn sóng đến các quốc gia và lãnh thổ khác, dẫn đến việc một số chương trình phát sóng trên vệ tinh có khả năng vi phạm yêu cầu bảo vệ nội dung theo lãnh thổ và không được phép phát sóng. Hệ quả là nếu bên cung cấp nội dung yêu cầu giám sát chặt việc tránh tràn sóng theo lãnh thổ, một số chương trình truyền hình được phát trên kênh thiết yếu trên vệ tinh sẽ không được phép phát sóng, dẫn đến việc người dân không có cơ hội tiếp cận với nội dung đó.

Từ năm 2014, VTC tự nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống bảo mật (ViCAS) vào quản lý dịch vụ truyền hình số vệ tinh. VTC cũng kỳ vọng sẽ triển khai trên diện rộng hệ thống bảo mật này cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và sản xuất đầu thu truyền hình số nhằm đảm bảo chống tràn sóng, bảo vệ bản quyền truyền hình.

Theo ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng giám đốc VTC, việc tự triển khai hệ thống bảo mật ViCAS đã giúp dịch vụ truyền hình trả tiền của VTC Digital tiết kiệm được chi phí, chỉ bằng 1/5 so với việc phải mua của nước ngoài.

Tại phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đồng ý chủ trương kết hợp số hóa truyền hình mặt đất và truyền hình vệ tinh đối với các địa bàn miền núi, hải đảo. Bộ trưởng cũng giao cho Cục Tần số Vô tuyến điện và VTV chủ trì, phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp phát sóng là RTB, SDTV và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Với chủ trương này, nhiều khả năng, khi triển khai Đề án số hóa truyền hình giai đoạn 2, một số địa bàn lõm sóng sẽ được xem xét để hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng nhà nước phải hỗ trợ.

Tại Đà Nẵng, dù đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất nhưng hiện tại một số khu vực lõm sóng ở Hòa Sơn và Hòa Vang người dân vẫn chưa thể thu xem được truyền hình số, từ trước đến nay các khu vực này cũng chưa có sóng truyền hình analog.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi triển khai số hóa truyền hình, phải đảm bảo cho người dân xem được các kênh truyền hình thiết yếu của Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương. Theo Thông tư mới được ban hành, cả nước có 70 kênh chương trình truyền hình thiết yếu. Bao gồm, 7 kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, gồm: VTV1, VTC1, Vnews, ANTV, QPVN, QHVN và Nhân dân.

Danh mục các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương bao gồm 63 kênh thời sự - chính trị tổng hợp của 63 đài PT-TH trực thuộc 63 tỉnh, thành phố.

(Theo ICTNews)