Thứ bảy, 20/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 20/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 28/12/2018

Ảnh hưởng của tin giả lớn thế nào?

Rất khó để biết chính xác, ảnh hưởng của tin giả lớn thế nào, nhưng có thể nói là rất lớn. Facebook có 2 tỉ người dùng, Twitter tuy nhỏ bằng 1/10 nhưng cũng đến hơn 330 triệu tài khoản. Thời lượng chúng ta đang sử dụng mạng xã hội mỗi ngày chắc chắn là đủ để tiếp nhận cực kỳ nhiều luồng thông tin, và rủi ro tồn tại tin tức giả là rất cao.

Theo thống kê của ĐH Stanford vào năm 2016, các website lan truyền tin fake tại Mỹ nhận được lượng tiếp cận cao kỷ lục - 159 triệu trong tháng diễn ra các sự kiện chính trị. Và theo một bài phân tích từ CNN thì bi kịch thay, tin fake và tin không được kiểm chứng lại là những thông tin nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ nhất.

Tin fake lan truyền trên mạng ảo, nhưng hậu quả chúng gây ra là thật. Một tin tức không được kiểm chứng đã vội lan truyền có thể dễ dàng hủy hoại danh dự của một người, gây ra những vụ đánh hội đồng, đập phá tài sản của người vô tội vì nghi ngờ người này có thể "thôi miên" và "bắt cóc".

Nhưng ảnh hưởng của các tin fake không chỉ dừng lại ở đó. Mark Zuckerberg đã từng một lần cho rằng ý tưởng các tin fake trên Facebook gây ảnh hưởng đến kết quả chính trị là "điên rồ", nhưng sau đó đã phải rút lại câu bình luận này. Bởi lẽ, sức ảnh hưởng của mạng xã hội ở thời điểm hiện tại là không thể coi thường.

Năm 2016 trong kỳ bầu của tổng thống, giới báo chí bắt đầu nhận ra có một làn sóng các câu chuyện bịa đặt được chia sẻ cực kỳ nhiều trên Facebook. Điều kỳ lạ là rất nhiều trang dường như được đăng bởi những người đến từ vùng Balkan tại châu Âu. Và sau khi BuzzFeed đưa ra báo cáo, mọi đầu mối đã dẫn đến Veles - một thị trấn nhỏ tại Macedonia.

Các thông tin lan truyền rất nhanh, nói về những thương vụ phi pháp của Hillary Clinton, về việc bà mắc rất nhiều bệnh tật. Tất nhiên, chúng đều là tin giả, nhưng hệ quả thì là thật. Đến tháng 12/2016, Hillary Clinton đưa ra khái niệm "fake news", nhắc đến chúng như một đại dịch truyền thông.

Không rõ ý của bà khi đề cập đến "fake news" là gì. Chỉ biết là sau đó vài tuần, cụm từ này được chính tổng thống đương nhiệm Donald Trump sử dụng để tuyên chiến với CNN, để rồi từ đó "fake news" trở thành một chủ đều cực kỳ gây tranh cãi trong giới truyền thông. Và hiện nay, khái niệm "fake news" được hiểu theo khá nhiều nghĩa.

Về cơ bản, fake news - tin giả - là các thông tin không đúng sự thật, nhưng biết vậy thôi thì chưa đủ. Vấn đề là ở chỗ các tin fake có thể xuất hiện ở rất nhiều dạng, với nhiều mục đích khác nhau mà không có bất kỳ giới hạn nào. Theo tác giả James Carson của Telegraph, có thể tạm chia nội dung fake news thành các loại như dưới đây:

- Tin tức định hướng thương mại: Những câu chuyện không phải để định hướng tư tưởng, nhưng cũng không phải sự thật. Chủ yếu là để tăng lưu lượng tiếp cận cho một website, từ đo gia tăng doanh thu đến từ quảng cáo.

- Tin tức sai lệch chính trị: Mục đích không phải để kiếm tiền, mà là tăng sự ảnh hưởng. Các tin tức thường được trộn lẫn một phần sự thật. Tuy nhiên, một nửa sự thật thì không phải sự thật.

- Tin tức fake trên mạng xã hội: Những bức ảnh kèm câu chuyện sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội hoặc Youtube.

- Tin châm biếm, hài hước: Mục đích chỉ để cho vui, nhưng vì tính chất không rõ ràng nên dễ bị lợi dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

... Và nhiều loại tin khác chưa liệt kê.

Đó là còn chưa tính đến những câu chuyện đến từ các luồng tin chính thống, nhưng rốt cục lại là tin sai lệch.

Điểm chung của các tin fake là những tin mang tính chất giật gân, với chủ đề và hình ảnh gợi tính đau xót, hoặc gây kích động. Cảm xúc bốc đồng từ người đọc bị lợi dụng, là nguồn cơn cho những cú click chia sẻ thiếu trách nhiệm, khiến sự lan tỏa của tin fake ngày càng mạnh hơn.