Thứ ba, 23/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 23/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 18/11/2019

Cảnh giác với việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá

Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi mà các thế lực thù địch, chống đối thường lợi dụng để chống phá Việt Nam.

“Thế giới ảo” khó kiểm chứng

Ngày nay các thiết bị công nghệ, nhất là điện thoại thông minh, hầu như trở thành “vật bất ly thân” với mỗi người. Những lợi thế mà công nghệ mới cùng internet tạo ra đã giúp xóa nhòa mọi không gian địa lý, tháo bỏ mọi rào cản tương tác như trước đây. Thế nhưng khác với thế giới thực, những thông tin trên “thế giới ảo” khó kiểm chứng, dễ bị kẻ xấu và thế lực thù địch lợi dụng cho mưu đồ đen tối của mình.

Phương cách thường thấy mà các thế lực thù địch, những kẻ chống phá đất nước lợi dụng internet và mạng xã hội là tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn để lôi kéo, kịch động, hướng dư luận theo quan điểm sai trái, thù địch.

Chúng triệt để lợi dụng các báo điện tử, blog cá nhân để làm “nóng” các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí…tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong xã hội, kích động tâm lý bất mãn với chính quyền. Một số vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng thì bị chúng khai thác, phát tán thành chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.

Thông qua Internet, mạng xã hội, chúng đẩy mạnh các chiến dịch “phá hoại tư tưởng” khi đất nước tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ban hành các luật ... từ đó kích động, lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Chúng ra sức tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội.

Sử dụng các fanpage trên mạng, chúng kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình; sử dụng Internet và mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng; dụ dỗ các đối tượng bị phạt tù, các nhà báo, nhà văn, cán bộ, đảng viên sai phạm thoái hóa biến chất viết bài với nội dung xấu tung lên mạng xã hội, phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chính trị xấu độc, phản động.

Với cách đưa thông tin bịa đặt, giả mạo, cắt xén; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, chúng kích động người dân gây rối, biểu tình, thậm chí có hành vi chống đối chính quyền gây bất ổn về an ninh, trật tự, từ đó tìm thời cơ để tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam.

Các quy định pháp luật của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn thế giới

Thực tế trên đặt ra yêu cầu quản lý với Internet và mạng xã hội, không để những kẻ xấu và các thế lực chống đối lợi dụng, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; và mới đây nhất là Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua tháng 6-2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019.

Với những chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước, Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với Internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin, truyền thông Việt Nam. Sau 22 năm, từ con số 200 nghìn người sử dụng trong những thời gian đầu, đến năm 2019 đã có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng 28% so với năm 2017. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian người Việt Nam dành cho smartphone, mạng xã hội cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới.

Về cơ sở hạ tầng, tốc độ truy cập Internet ở Việt Nam tăng trưởng hàng năm. Internet và mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân…

Tất cả những điều đó cho thấy bảo đảm tự do Internet và sử dụng mạng xã hội luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở Việt Nam. Nhưng tự do Internet và mạng xã hội không có nghĩa tuyệt đối; không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên Internet và mạng xã hội cũng được; Internet và mạng xã hội cũng không thể là nơi để các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, tiến hành các hoạt động chống phá.

Nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cần thiết. Với những người cố tình đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt lên mạng, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước…, cần phải xác định đó là những người vi phạm pháp luật cần phải xử lý.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. Hàng nghìn video clip, trong đó có những video clip với nội dung phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, đã được Google gỡ bỏ khỏi mạng xã hội Youtube. Hàng nghìn đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; hàng trăm tài khoản giả mạo, tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước cũng đã được Facebook ngăn chặn.

Những việc làm đó là cần thiết chứ không phải là hạn chế tự do Internet, ngăn cản sử dụng mạng xã hội như các thế lực chống đối, thù địch xuyên tạc. Thực tiễn đó cũng không phải là ngoại lệ, không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Ở Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, nhận xét trên mạng. Tại Singapore, để bảo đảm an ninh, toàn bộ máy tính của công chức nhà nước đã bị cắt internet kể từ tháng 5/2017. Ở Anh, Thủ tướng Anh Cameron từng tuyên bố: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”.

Thái Lan thì đề xuất các công ty công nghệ lớn thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp Chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty dịch vụ OTT. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo yêu cầu của nhà chức trách.

Rõ ràng, với hành động lợi dụng Internet và mạng xã hội để xuyên tạc, nói xấu, nhất là xâm phạm đến an ninh quốc gia, chống phá đất nước, thì không quốc gia nào có thể dung túng. Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet và mạng xã hội là phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới.  

 

Bảo đảm tự do Internet và sử dụng mạng xã hội luôn là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở Việt Nam. Nhưng tự do Internet và mạng xã hội không có nghĩa tuyệt đối; không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên Internet và mạng xã hội cũng được. Internet và mạng xã hội cũng không thể là nơi để các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, tiến hành các hoạt động chống phá.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với Internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin, truyền thông Việt Nam. Sau 22 năm, từ con số 200 nghìn người sử dụng trong những thời gian đầu, đến năm 2019 đã có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng 28% so với năm 2017.

 

PV - Tạp chí Thông tin và Truyền thông