Thứ sáu, 26/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 26/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 28/12/2018

Chính phủ các quốc gia đã làm gì để chống tin giả?

Chính phủ các quốc gia cũng buộc phải có giải pháp để giải quyết bài toán "fake news" đang quá ngập tràn trong thời buổi kỹ thuật số phát triển quá mạnh. Bởi vậy, nhiều nước đã quyết định thông qua Luật an ninh mạng .

Luật an ninh mạng có thể xem là một tấm khiên pháp lý, mục đích là để bảo vệ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ trên môi trường mạng internet. Hiện tại, có ít nhất 138 quốc gia trên thế giới đã thông qua đạo luật này, trong đó có Đức (7/2015), Mỹ (10/2015), Singapore (2017)...

Mạng xã hội ngày nay trở thành một phần tất yếu mỗi ngày của hàng trăm triệu người trên thế giới, bởi khả năng kết nối không phân biệt không gian và thời gian. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi" khi tin giả, tin kích động bạo lực được lan truyền một cách khó kiểm soát.

Không gian mạng trở thành nơi an toàn để tội phạm, các nhóm khủng bố cực đoan và lực lượng chống phá có cơ hội tung tin đồn, sai lệch, gây rối loạn và ảnh hưởng uy tín của các cá nhân, tổ chức. Theo Ủy ban phòng, chống tội phạm thành phố Chi-ca-gô, bang I-li-noi của Mỹ, các hoạt động tương tác trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bạo lực tại thành phố có số vụ án mạng cao nhất nước này. Theo báo cáo của Ủy ban trên, phần lớn thành viên các băng nhóm tội phạm tại Chi-ca-gô đều sử dụng mạng xã hội như công cụ để đưa ra những bình luận mang tính thù địch, chia rẽ, kích động bạo lực. Hơn 50 băng nhóm tội phạm tại Chi-ca-gô sử dụng tài khoản trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, các ứng dụng nhắn tin khác để buôn bán ma túy và bảo vệ phạm vi hoạt động.

Theo Công ty công nghệ Google, Ðông - Nam Á là khu vực có tốc độ phát triển in-tơ-nét nhanh nhất thế giới với khoảng 370 triệu người dùng thường xuyên, dự báo tăng lên 460 triệu người trong năm tới. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc Ðông - Nam Á phải đối mặt ngày càng nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ mạng in-tơ-nét nói chung và các dịch vụ mạng xã hội nói riêng. Tháng 6-2018, cảnh sát In-đô-nê-xi-a triệt phá thành công âm mưu đánh bom tại Ðại học Aras Mulyadi, sau khi phát hiện một số cựu sinh viên của trường đang lập nhóm trên một ứng dụng trò chuyện trực tuyến nhằm lên kế hoạch đánh bom khủng bố. Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học In-đô-nê-xi-a sau đó kêu gọi các cơ quan chức năng trong nước giám sát chặt chẽ các trang mạng xã hội mà sinh viên thường xuyên sử dụng để kịp thời ngăn chặn các tư tưởng cực đoan. Trong khi đó, năm 2017 Chính phủ Thái-lan cũng lên kế hoạch chi hơn ba triệu USD cho việc triển khai hệ thống phần mềm lưu trữ và phân tích dữ liệu mạng xã hội. Theo luật chống tin giả của Ma-lai-xi-a, những người bị buộc tội tung tin giả mạo có thể bị phạt tù tới sáu năm.

Ở châu Âu, Quốc hội Ðức ban hành luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh cho người dùng. Theo luật này, nếu trong khoảng thời gian 24 giờ cho tới bảy ngày, tùy mức độ phức tạp của vụ việc, các mạng xã hội như Facebook hay Twitter không gỡ bỏ các phát ngôn gây thù ghét, sau khi cơ quan chức năng nhận được khiếu nại, sẽ có thể bị phạt tới 50 triệu ơ-rô. Trước đó, Ðức đã ban hành luật quy định tội phạm hóa một số loại phát ngôn, trong đó có phát ngôn gây kích động bạo lực tôn giáo và chủng tộc.

Mới đây, ngày 16-7, Quốc hội Ai Cập thông qua dự luật cho phép giám sát hoạt động sử dụng mạng truyền thông xã hội nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tin giả. Theo đó, các tài khoản, gồm các trang thông tin điện tử, blog hay tài khoản cá nhân trên mạng xã hội có hơn 5.000 người theo dõi có thể chịu sự giám sát của Hội đồng tối cao Ai Cập phụ trách các quy định truyền thông. Trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ Ni-giê-ri-a tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp và công cụ để phổ biến tin chính thống trên các phương tiện thông tin truyền thông và cả mạng xã hội, để người dân có thể tiếp cận thông tin chính xác.

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trên toàn thế giới khiến nhu cầu tương tác thông qua mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh không ít người dùng chủ quan, không lường hết những tác động tiêu cực từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều nước trên thế giới viện tới các biện pháp siết chặt quản lý thông tin trên mạng xã hội, để bảo vệ chính người dùng và lợi ích từ việc kết nối mà mạng xã hội mang lại.