Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ bảy, 28/09/2019

Cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp về chính sách, pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trong cùng điều kiện pháp lý

 

Ngày 12/9, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” tại Thừa Thiên - Huế. Tham dự có ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Văn Uý - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam; đại diện Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính; đại diện các lãnh đạo phòng chuyên môn của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; đại diện lãnh đạo một số Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Đài Phát thanh và Truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình trên cả nước và đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày chuyên đề về “Xu hướng cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, một số vấn đề cần lưu ý” và bà Trịnh Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Phát thanh, truyền hình, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày chuyên đề về “Xu hướng phân phối nội dung trên dịch vụ truyền hình trả tiền”.

Theo đó, hiện nay, Việt Nam có 72 cơ quan báo chí hoạt động phát thanh truyền hình, 12 đại lý cung cấp kênh nước ngoài, 3 cơ quan báo chí biên tập kênh nước ngoài, nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện biên tập tập nội dung theo yêu cầu. Cả nước hiện có 279 kênh phát thanh, truyền hình trong nước (192 kênh truyền hình, 87 kênh phát thanh)với số giờ chương trình tự sản xuất mới trung bình 612 giờ/279 kênh trong nước, cùng hàng trăm giờ chương trình liên kết sản xuất về nội dung giải trí; 70 kênh truyền hình nước ngoài đã được cấp phép biên tập biên dịch và những kênh chương trình này được cung cấp trên dịch vụ PayTV của 36 doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, tỷ lệ bình quân khán giả xem kênh truyền hình và tiếp cận kênh truyền hình có xu hướng giảm.

Trong phần trình bày của mình, các báo cáo viên cũng nhận định “Tốc độ tăng trưởng thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm, chỉ ở mức 4 - 5%/năm, trong khi đó, thuê bao thu truyền hình OTT lại tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 50%/năm. Dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống sẽ dần bão hòa trong tương lai, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT sẽ phát triển mạnh và dần chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt” và đưa ra một số khuyến nghị: “Doanh nghiệp cần xem xét hợp tác trong phân phối nội dung để đa dạng hóa gói nội dung, đem đến cho người xem nhiều lựa chọn; Hợp tác với doanh nghiệp sản xuất tivi để cài đặt ứng dụng OTT TV trên hệ điều hành của SmartTV ngay từ nhà máy để đa dạng hoá phương thức tiếp cận người xem; Chủ động tự bảo vệ bản quyền nội dung bằng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý và Đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và chặn vi phạm bản quyền nội dung

Lãnh đạo các Đài PTTH và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình cũng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, thực trạng và thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt: Ông Vũ Anh Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom chia sẻ về  “OTT TV: Giải pháp đa dạng hoá nội dung trên dịch vụ hướng đến người xem”; ông Tạ Sơn Đông – Phó Tổng Giám đốc Công ty VTVCab phát biểu về “Xu hướng cung cấp gói nội dung khác biệt cho dịch vụ truyền hình trả tiền”; ông Huỳnh Long Thuỷ, Giám đốc phụ trách công nghệ Công ty Đất Việt có tham luận về “Vai trò của việc bảo vệ bản quyền nội dung đối với hiệu quả kinh doanh truyền hình trả tiền”. Hội thảo còn có phần trình bày của ông David Sismon - Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình HBO về “Thị trường truyền hình trả tiền dưới góc nhìn của các doanh nghiệp cung cấp nội dung nước ngoài”.

Ông David Sismon - Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình HBO​

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cảm ơn sự ủng hộ và đồng hành của Hiệp hội Truyền hình trả tiền; ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền trên toàn quốc - đóng góp truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và địa phương góp phần thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và nhà nước tới đông đảo tầng lớp nhân dân; đóng góp vào việc nộp ngân sách nhà nước bao gồm cả thuế và phí; đóng góp trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin, nhu cầu giải trí đa dạng, chất lượng cao của người dân với các nội dung trong nước được sản xuất ngày càng có chất lượng và nội dung đặc sắc của nước ngoài đã được biên tập, biên dịch.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát biểu kết luận

Đề nghị các doanh nghiệp đồng hành cùng nhau trong quá trình phát triển; chia sẻ, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tư vấn, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật; kiến nghị, đề xuất vấn đề cần được xem xét, quản lý trong thực tế phát triển; nghiên cứu, nắm bắt, vận dụng chính sách pháp luật liên quan và xu thế để phát triển như vấn đề bản quyền, quảng cáo, cơ chế quản lý thuế, phương thức và thói quen không sử dụng tiền mặt, hay pháp luật cạnh tranh… Đánh giá cao ý kiến của đại diện HBO và mô hình kinh doanh HBO tại Việt Nam, khi HBO chọn cách đi phù hợp, không nhất thiết phải tự mình cung cấp dịch vụ mà thông qua các đối tác có kinh nghiệm lâu năm của Việt Nam, thông qua các nhà mạng đã có giấy phép, có sẵn tệp khách hàng để phát triển.

Đồng thời cũng nhấn mạnh và thể hiện quan điểm: Cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp về chính sách, pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trong cùng điều kiện pháp lý.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không bảo hộ ngược, hình thành cơ sở pháp lý để ngăn chặn hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với vấn đề vi phạm bản quyền, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp mạnh hơn như thực hiện biện pháp chặn tên miền, thu hồi tên miền; đề nghị hạ, rút các app vi phạm bản quyền

Nguồn: http://ictvietnam.vn/xa-hoi-so/truyen-hinh-so/co-quan-quan-ly-nha-nuoc-luon-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-ve-chinh-sach-phap-luat-de-cong-dong-doanh-nghiep-phat-trien-va-canh-tranh-trong-cung-dieu-kien-phap-ly.htm

BBT