Thứ sáu, 19/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 19/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 04/12/2019

Nhu cầu và sự cần thiết bổ sung các quy định pháp lý tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực thi hành từ tháng 9 năm 2013, đến nay, sau hơn 6 (sáu) năm thực hiện, các quy định của Nghị định này đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia quá trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng phát triển và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Điểm nổi bật nhất của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP so với các quy định trước đó là:

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới, điển hình là Facebook, Google và Apple phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Có thể khẳng định Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT bước đầu có tác động tích cực đối với xã hội trong việc ngăn chặn, hạn chế thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng.

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng đã tạo hành lang pháp lý để tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động phát triển. Đồng thời cũng đã phần nào giải quyết được bức xúc của người tiêu dùng khi giảm số lượng đáng kể các thuê bao bị trừ tiền vô lý, tăng tính minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.  

- Đối với hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, trước thời điểm Nghị định 72/2013/NĐ-CP được ban hành, dư luận xã hội nhìn nhận và đánh giá về trò chơi điện tử như là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tiêu cực, bức xúc trong xã hội. Vì vậy, có những thời điểm (từ tháng 7/2010 đến tháng 8/2011, từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2013) Bộ đã phải có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạm dừng cấp phép phát hành game.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 72/2013/NĐ-CP được ban hành và chính thức có hiệu lực (thay thế Thông tư 60) thì dư luận xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn đối với ngành game. Theo đó, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ra đời đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cung cấp game cờ bạc, game không phép, game có nội dung vi phạm.

Nhìn chung, hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng tại Việt Nam khá phát triển từ khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành. Cho đến thời điểm hiện nay, cơ bản các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP vẫn tiếp tục phù hợp với hoạt động thực tiễn, góp phần làm phong phú thêm các loại hình và đa dạng về nguồn thông tin giúp người sử dụng được tiếp cận với nhiều nội dung thông tin đa dạng và phong phú. Đối với lĩnh vực dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động và trò chơi điện tử trên mạng, các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã góp phần làm ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, nhu cầu và xu hướng thực tiễn đang tác động rất lớn đến thị trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin điện tử trên mạng ở trong nước, đặt ra các vấn đề cần giải quyết như sau:

*Đối với trang thông tin điện tử, mạng xã hội:

- Tình trạng “báo hóa” ở cả trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang gây bức xúc trong dư luận xã hội (báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội là tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có hoạt động gây hiểu lầm là báo, tạp chí điện tử).

- Người dùng trong nước đang ngày càng phụ thuộc vào 2 mạng xã hội của nước ngoài là Facebook và Youtube.

- Hành lang pháp lý đã có chưa tạo được sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các quy định pháp lý hiện hành
chưa buộc các DN nước ngoài kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý với
DN trong nước.

*Đối với hoạt động cung  trò chơi điện tử trên mạng (game):

- Sự xâm chiếm của game có nguồn gốc từ nước ngoài (gần 87% game phát hành hợp pháp  tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm gần 69%);

- Xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play. Điều này cũng đặt ra vấn đề là cần phải quản lý các dịch vụ cung cấp qua các kho ứng dụng

*Đối với hoạt động cung dịch vụ nội dung trên di động:

- Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động đã lợi dụng Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ nội dung để cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, nội dung truyền hình, phim theo yêu cầu có thu tiền người sử dụng bằng nhiều hình thức (VOD)...

Ngoài ra, các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuyên biên giới cũng chưa cụ thể, chưa tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, để các doanh nghiệp nước ngoài bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời các quy định về hoạt động quảng cáo trực tuyến, quảng cáo xuyên biên giới trong Luật Quảng cáo, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh được những vẫn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung quy định về quảng cáo trực tuyến cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Với những lý do nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và một số quy định về quảng cáo trực tuyến.

Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Nghị định mới cần đáp ứng mục tiêu:

- Bao quát hoạt động cung cấp cung cấp nội dung thông tin trên mạng, quảng cáo trực tuyến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

- Tạo được hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên và bắt kịp xu thế phát triển của các dịch vụ và nội dung thông tin trên mạng.

Dự kiến, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP sẽ được trình lên Chính phủ trong năm 2020.

BBT