Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Thông tin điện tử

Thứ bảy, 29/12/2018

Singapore có thể ra luật chống tin tức giả mạo trong năm tới

Một ủy ban của Quốc hội Singapore đã đề xuất chính phủ “phải có quyền ngay lập tức ngăn chặn hành động phát tán tin giả mạo” trên mạng, bao gồm nhiều biện pháp như hạn chế hoặc chặn nội dung, khóa tài khoản giả mạo…

Quyền hạn mới của chính phủ sẽ được áp dụng đối với tất cả nền tảng đóng hoặc mở trên mạng. Tuy nhiên, ủy ban nhấn mạnh hoạt động thông tin liên lạc là "quyền riêng tư được tôn trọng”.

Ủy ban đồng thời đề xuất dự luật cho phép điều tra hình sự nhắm vào những đối tượng gieo rắc tin giả mạo gây thiệt hại nghiêm trọng.

Bộ trưởng Nội vụ K. Shanmugam, thành viên của ủy ban, cho biết có nhiều chứng cứ cho thấy nước ngoài đang tiến hành những chiến dịch gieo rắc thông tin sai lệch chống lại Singapore, dẫn đến nguy cơ gây bất ổn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia.

Ủy ban còn đề xuất chính phủ siết chặt quản lý, đưa ra quy định mới buộc các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter phải chịu trách nhiệm và có biện pháp chống lại tin giả mạo. Các thành viên ủy ban chỉ trích những công ty mạng xã hội lâu nay vẫn duy trì chính sách “khoanh tay” đối với những nội dung sai lệch, giả mạo.

Quốc hội Singapore bắt đầu thảo luận về Luật Chống nạn tin tức giả trên mạng internet từ hồi đầu năm 2018. Đảo quốc sư tử đã cảm nhận được hậu quả nguy hiểm của vấn nạn này. Chiến dịch chống tin giả có thể liên quan trực tiếp đến các hoạt động hợp tác với các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến để theo dõi và gỡ bỏ các tin giả khi cần, cũng như có các động thái pháp lý với thủ phạm phao tin giả.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Tư pháp Singapore K Shanmugam cho biết, trong năm tới, nước này nhiều khả năng sẽ công bố luật mới để chống tin tức giả mạo vì bản chất nguy hiểm của vấn đề này.

Ông K Shanmugam nói rằng, việc chống tin giả có thể liên quan đến việc làm việc với các nền tảng trực tuyến để theo dõi và gỡ tin giả, có các động thái với thủ phạm trong việc cung cấp tin giả… nên Chính phủ sẽ tham vấn các bên như luật sư, chuyên gia truyền thông và các công ty công nghệ trong nửa sau của năm 2017 để phục vụ cho việc soạn thảo luật.

“Trong thế giới hậu sự thật này, kể cả những thông tin sai lệch và lố bịch cũng có thể gây nghi ngờ. Người ta tin vào những thông tin giả mạo vì những thông tin đó đến từ các mạng lưới xã hội vốn thân thiết và có chung quan điểm với họ”, ông Shanmugam đưa ra nhận định tại một diễn đàn về niềm tin và sự thật đối với truyền thông.

Dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát do Chính phủ Singapore thực hiện gần đây, ông Shanmugam cho biết, 91% người dân Singapore khi được hỏi ủng hộ việc công bố một đạo luật mạnh mẽ hơn để đảm bảo gỡ bỏ và sửa lại cho đúng những tin giả. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy chỉ có khoảng 1 nửa người dân khi được hỏi khẳng định họ tin tưởng vào khả năng phân biệt tin giả của mình còn 2/3 người khác nói họ không thể phân biệt được tin giả khi nhìn thấy lần đầu. Đặc biệt, khoảng 25% những người tham gia khảo sát cho biết họ đã từng chia sẻ những thông tin mà về sau đó họ phát hiện đó là tin giả.

Cho rằng những thông tin giả mạo hiện nay nguy hiểm hơn bao giờ hết, ông Shanmugam nói rằng, luật pháp chỉ là 1 phần trong các nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm đối phó với tin giả. Ngoài ra, xã hội, truyền thông và các công ty công nghệ cũng cần đóng vai trò tích cực trong vấn đề này. Trong đó, theo Bộ trưởng Tư pháp Singapore, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Còn các công ty công nghệ như Facebook, Google, và Twitter cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý tin giả. Ông Shanmugam cho hay, một số công ty công nghệ đã tự nguyện cam kết sẽ dỡ bỏ các phát ngôn gây thù ghét trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo về vấn đề này.