Thứ năm, 28/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 28/03/2024 Thông tin điện tử

Thứ năm, 21/11/2019

Thái độ của người dùng đối với mạng xã hội mới

Mạng xã hội mới đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, và người dân cũng rất mạnh dạn thử nghiệm những mạng này. Đó là những hiệu ứng tích cực cho mạng xã hội của người Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT): Ở Việt Nam hiện ước tính có khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), chiếm gần 70% dân số. Facebook, Google, Youtube, Zalo, Viber là các MXH và công cụ tìm kiếm được nhiều người Việt Nam sử dụng hiện nay. Thời gian sử dụng MXH bằng nhiều hình thức của người Việt Nam là khoảng 7 giờ/ngày. Điều đó cho thấy các MXH và công cụ nhắn tin qua MXH được nhiều người quan tâm, sử dụng. Do đó, nếu sử dụng internet cũng như các MXH đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân.

Đáng mừng, các nhà mạng tên tuổi của Việt Nam đang xây dựng được một số MXH “Make in Việt Nam”. Zalo-một ứng dụng OTT của doanh nghiệp nội có số lượng người dùng hằng tháng vào khoảng 46,7 triệu, bằng khoảng 70% số người sử dụng Facebook… Bên cạnh Zalo, cũng cần phải nhắc tới một cái tên khác là Mocha của Viettel; sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng MXH này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Hệ sinh thái internet Việt Nam cũng vừa chào đón thành viên mới nhất-MXH Lotus, ra mắt ngày 16-9-2019 do Công ty Cổ phần VCCorp đầu tư và triển khai, với nguồn vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân trong nước, mong muốn xây dựng một MXH khác biệt, sử dụng nội dung hay để lan truyền thông điệp tới mọi người dân Việt Nam. Có thể nói rằng, sự xuất hiện, phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha hay “thành viên mới” Lotus là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các MXH “Make in Việt Nam” trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook, bởi phát triển MXH của người Việt là để phù hợp với văn hóa của người Việt..

 

 

 

Vừa qua, mạng xã hội Gapo vừa ra mắt đã gặp trục trặc vì có quá nhiều người truy cập. Sau khi khắc phục, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng, Gapo đã khẳng định về định hướng là Mạng xã hội cho giới trẻ và mới đây đã cán mốc 2 triệu người sử dụng.

Tính đến thời điểm này, cùng với Gapo và Lotus, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho hơn 400 mạng xã hội trong nước, trong đó riêng 6 tháng đầu năm nay cấp phép cho 48 mạng xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan - đã tỏ ra hơi bất ngờ khi nghe đến con số 400 mạng xã hội này: “Nếu là 400 thì quả thật là quá nhiều, chứ không phải là nhiều nữa. Ở một góc độ nào đó, tôi thấy rằng, nếu một trang thông tin nào đó có sự tương tác giữa người dùng với nhau (ví dụ như share, comment, có sự tương tác...) thì coi đó là mạng xã hội. Chứ bản chất thực sự để hoạt động như mạng xã hội thì tôi nghĩ là cũng không nhiều đến mức như thế”.

Đó chỉ là số lượng các mạng xã hội được cấp phép theo quy định, còn để có thể hoạt động có hiệu quả, đem lại những trải nghiệm tốt, những nội dung hay, thì đòi hỏi phải có người sử dụng tương tác, bình luận (comment) hoặc chia sẻ (share)…

Sau khoảng 1 tuần ra mắt, mạng xã hội Lotus đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ người dân.

“Tôi đã thấy các clip và hình ảnh phản cảm trên mạng xã hội này nên cũng hơi lo lắng. Tôi cũng không biết ẩn các nội dung xấu hay báo cáo là phản cảm đến đơn vị quản lý mạng xã hội này như thế nào”, một người sử dụng cho biết.

Một ý kiến kiến khác: “Từ khi có ứng dụng Lotus, tôi có vào ứng dụng này hàng ngày, nhưng đã phải cập nhật khá nhiều, nên thấy hơi phiền. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có nhiều thông tin chính thống từ các báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Báo điện tử VOV… nên cảm thấy nguồn tin ở đây thì tin tưởng hơn là đọc những link chia sẻ của người sử dụng ở các mạng xã hội khác”.

Nhà sáng lập Lotus cũng nhìn nhận thực tế trong quá trình vận hành phiên bản beta - ứng dụng đang thử nghiệm cũng đã gặp phải nhiều vướng mắc nhỏ, vì phát triển mạng xã hội đang là bài toán khó và rất mạo hiểm không chỉ với riêng Công ty Cổ phần VCCorp.

Đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus đã đưa ra 3 nhóm vấn đề mà Công ty sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới: Thứ nhất, ứng dụng hoạt động chưa ổn định, có nhiều chức năng chưa hợp lý, khó hiểu đối với người sử dụng. Thứ hai là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, mặc dù đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn để lọt những hình ảnh phản cảm lên Lotus. Nhóm thứ 3, quan trọng nhất đó là nội dung hay, nội dung tử tế cần được đăng tải nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp - nhấn mạnh: “Hiện tại, tôi không tập trung vào lời khen, mà đang tìm xem có vấn đề gì, ở đâu? Vì mình muốn xây dựng mạng xã hội có nội dung hay, đẹp, nội dung tử tế thì đó là điều khó nhất. Chưa có đủ số lượng người đăng nội dung lên thì số lượng nội dung hay là chưa nhiều, chắc chắn là người dùng sẽ có nhiều thất vọng. Mạng xã hội không chỉ là người cung cấp nội dung chuyên nghiệp, mà cả người dùng thông thường đăng lên. Khi người dùng thông thường đăng lên mạng xã hội này, thì chắc chắn sẽ có những loại nội dung tốt, nhưng sẽ có loại thông tin xấu, phản cảm. Khi mình làm không tốt, để lọt lên trang chủ, thì chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều phản ứng, thì phải tập trung giải quyết vấn đề này”.

Bác sỹ Trần Quốc Tuấn – tham gia lễ ra mắt mạng xã hội Lotus – chia sẻ: “Với bác sĩ là người làm trong y học, những chia sẻ của bác sĩ trên mạng Lotus hy vọng có thể tương tác với bệnh nhân và đặc biệt là những hoạt động tư vấn cho cộng đồng được đa chiều hơn”.

“Theo tôi, cần quan tâm đến thông tin hạn chế, tác hại của mạng xã hội đối với thanh, thiếu niên; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội để bảo đảm phát huy tối đa ưu thế của mạng xã hội” - ông Nguyên nói.

Thực hiện tuyên truyền theo từng chuyên đề sâu cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; chú trọng các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng hiện đang quan tâm như: Bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông đường bộ…

Đáng chú ý, ông Nguyên đề xuất cơ chế khuyến khích các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương xây dựng Fanpage có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính chính xác, bảo mật, kịp thời.

“Nên bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phù hợp để phụ trách quản trị Fanpage. Cấp kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động của trang Fanpage” - ông Nguyên khuyến cáo

PV - Tạp chí Thông tin và Truyền thông