Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 25/12/2019

Xây dựng môi trường ứng xử lành mạnh, an toàn trên môi trường mạng

Ngày nay, mạng xã hội đã và đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Với số lượng người sử dụng tăng lên nhanh chóng, mạng xã hội đang có tác động, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội, đến từng người dân, từ những vấn đề kinh tế, chính trị văn hóa – xã hội mang tính vĩ mô đến cả tâm tư, cảm xúc của mỗi người. Ở một một góc độ nào đó, mạng xã hội đang ngày càng phổ biến với người dân, trở thành kênh thông tin đo lường tâm trạng xã hội, có tác động rất lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt tại một số thời điểm nhạy cảm trong một số vụ việc mất an ninh trật tự.

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho đời sống xã hội, tuy nhiên với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối thông tin nhanh khiến cho phát ngôn nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau, trở nên phổ biến hơn trên các mạng xã hội, đặc biệt là mạng nước ngoài như Facebook, Youtube…

Các thông tin tiêu cực như thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động bạo loạn, chống phá nhà nước... gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Nhiều doanh nghiệp vì những tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất. Nhiều cá nhân, tổ chức trở thành “tội đồ” của dư luận, bị “mổ xẻ”, “ném đá”, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng, khủng bố bằng điện thoại chỉ vì một phát ngôn bất cẩn, gây hiểu lầm, hoặc bị cắt ghép theo chủ ý của người phát tán tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người bị hại và những người có liên quan. Có một số trường hợp là học sinh bị bạn bè nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội đã không chịu được áp lực mà tự tử. Rất nhiều người sau khi xúc phạm nhau trên mạng xã hội, đã tìm đến người khác để trả thù bằng bạo lực…

Một vấn đề đáng quân tâm, đó là nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay đang nhầm lẫn ranh giới giữa phản biện cá nhân, nói ra chính kiến quan điểm, sự góp ý mang tính phản biện với tấn công đưa ra những bình luận, phát ngôn bôi nhọ, nói xấu tạo nên sự thù ghét. Ngoài ra, nhiều người dùng cho rằng, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam nên có thể tự do đưa ra các phát ngôn bình luận một mà không bị cấm hay hạn chế về điều đó.

Thực tế các hành vi này đã được điều chỉnh ở rất nhiều các văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn. Chế tài xử phạt cũng đã có tương đối đầy đủ và thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này (Tháng 2/2019, Công an tỉnh Điện Biên xử phạt 01 cá nhân tại địa phương vì hành vi nói xấu, bôi nhọ cá nhân khác với mức phạt 7,5 triệu, UBND huyện Nam Sách ( Hải Dương) đã xử phạt 01 cá nhân vì hành vi tung tin sai sự thật, gây ảnh hưởng an ninh trật tự với mức phạt 10 triệu đồng, tháng 3/2019, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt 01 cá nhân ( chủ trang đầm bầu Mami) vì hành vi thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Nam Phi với mức phạt 10 triệu động).

 Tuy nhiên số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, hơn nữa kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về mặt vật chất, tinh thần. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy bên cạnh việc điều chỉnh bằng hệ thống các quy định pháp luật thì rất cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm” dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo sự đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, tích cực, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với bối cảnh hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động nghiên cứu cơ sở lý luận, bài học thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử khung trên mạng xã hội cho Việt Nam.

Việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.

Bộ Quy tắc ứng xử khung được xây dựng có vai trò như sau:

- Thứ nhất  Bộ quy tắc được sử dụng như một công cụ để nâng cao nhận thức và hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội có những hành vi đúng đắn trên môi trường mạng.

- Thứ hai, Bộ quy tắc là tài liệu hướng dẫn trách nhiệmcác nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội trong việc ngăn ngừa sự tràn lan của các thông tin xấu, độc, các thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.

- Thứ ba, Bộ quy tắc là một công cụ để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng một môi trường Internet an toàn, lành mạnh.

Trên cơ sở Bộ Quy tắc ứng xử khung, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, trường học có thể xây dựng các Bộ Quy tắc ứng chuyên biệt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm và điều kiện riêng của mình.

Thực tế, hiện nay cũng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học đã chủ động xây dựng các Bộ Quy tắc ứng xử (có thể dưới tên gọi là Quy chế, quy định cung cấp thông tin trên mạng xã hội) nhằm xây dựng về văn hóa ứng xử cho người sử dụng ở phạm vi điều chỉnh hẹp. Đây là cơ sở, là hạt nhân quan trọng để xây dựng một cộng đồng mạng xã hội nói chung văn hóa, lành mạnh, an toàn tích cực.

Và để triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thông tin tuyên truyền; cơ chế chính sách; kiểm tra giám sát; liên kết hợp tác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào giải pháp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tích cực tham gia.

BBT