Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Tin tức - sự kiện

Thứ hai, 10/12/2018

Bộ TT&TT sẽ có những chính sách giúp ngành nội dung số phát triển

Nhận thức được tầm quan trọng của nội dung số, Việt Nam đã ban hành một số chính sách về nội dung số. Thời gian qua, lĩnh vực nội dung số đã có sự phát triển được ghi nhận. Từ mức chỉ đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng cách đây 10 năm, đến nay ngành công nghiệp nội dung số có doanh số chục ngàn tỷ. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này còn xa mới tương xứng với tiềm năng phát triển. Nhiều nghiên cứu, đánh giá cũng như thực tế đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp nội dung số đã phát triển một cách tự phát, thiếu chiến lược rõ ràng, không có sự gắn kết giữa  nghiên cứu, văn hóa, công nghệ và thị trường, chưa có nhiều mô hình kinh doanh tiên tiến phù hợp xu hướng quốc tế.

 Trong bối cảnh thế giới đang bước vào quá trình chuyển dịch số, vai trò của nội dung số ngày càng trở nên quan trọng. Nội dung số là một trong các hình thức thể hiện sinh động tài nguyên số, nguồn tài nguyên thiết yếu để triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, sáng tạo và đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số. Điều này dẫn đến nhu cầu đánh giá một cách tổng thể tình hình phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam để có thể đưa ra được những đề xuất chính sách, biện pháp quản lý và hỗ trợ ngành công nghiệp này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết thị trường nội dung số ở Việt Nam còn tương đối nhỏ, mới trên 1 tỷ USD. Nếu so với tỷ trọng ngành viễn thông thì mới chỉ được khoảng 10%. Vì thế, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ có những chính sách để giúp ngành nội dung số đạt 20-30% doanh thu ngành viễn thông. Hiện nay, ở các nước khác doanh thu ngành nội dung số chiếm khoảng 25-30%.

Để làm chủ được không gian mạng thì bắt buộc chúng ta phải có hệ sinh thái số, bao gồm trình duyệt, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, phần mềm chống mã độc. “Tất cả những sản phẩm này Việt Nam đều có, như trình duyệt Cốc Cốc, hệ điều hành dành cho quân đội cho Viettel phát triển, phần mềm chống mã độc Bkav… nhưng chỉ có điều là quy mô còn nhỏ vì chúng ta chưa có chính sách, chưa có quy mô để hỗ trợ họ hay là dựng ngọn cờ để họ đi theo. Vì vậy chúng ta phải làm sao để cho họ lớn lên được”, Bộ trưởng  nói.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu nằm trong Top 10 nước làm chủ hệ sinh thái. “Không nhiều nước đặt mục tiêu này vì họ cho rằng thế giới có cái gì thì dùng cái đấy. Nhưng Việt Nam là một trong số rất ít nước luôn mong muốn được tự chủ. Chính ý chí đấy sẽ giúp chúng ta làm chủ hệ sinh thái. Mục tiêu là sẽ có 70% các sản phẩm dịch vụ này là do người Việt Nam phát triển”.

Trong thời gian qua đã có một số nghiên cứu đánh giá về ngành công nghiệp nội dung số, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào những bất cập liên quan đến yếu tố khách quan trọng quá trình triển khai các hoạt động quản lý ngành, nhiều trường hợp lại thiên về mô tả yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp đối với nhà nước. Trong khi đó, vấn đề động lực nội tại, yếu tố thành công cốt lõi, sự chủ động nâng cao sức cạnh tranh của ngành để phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn các nhu cầu nội địa và tiến ra thị trường quốc tế,... chưa được quan tâm.

Ngành nội dung số Việt Nam hiện nay vẫn còn non trẻ và doanh nghiệp trong nước chịu nhiều áp lực trong câu chuyện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đối với môi trường kinh doanh trong nước, đó là những thách thức khi chính sách quản lý chưa theo kịp sự phát triển, dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cùng kinh doanh một ngành trên thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nội dung số trong nước và nước ngoài đang có nhiều khác biệt, các chính sách được đưa ra chưa đủ để tạo ra sự bình đẳng trong việc khai thác thị trường Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải tuân thủ nhiều văn bản Luật, nghị định, thông tư… thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi kinh doanh nội dung số tại Việt Nam lại phát huy được lợi thế tính không biên giới của dịch vụ nội dung số để khai thác thị trường, không phải chịu các rào cản.