Thứ sáu, 29/03/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 29/03/2024 Tin tức - sự kiện

Thứ hai, 10/07/2017

Facebook đã xoá hơn 600 tài khoản giả mạo, bôi nhọ cá nhân ở Việt Nam

Đó là thông tin được đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chia sẻ tại buổi Giao ban truyền thông xã hội vào chiều 7/7 tại TP.HCM.

Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 1.600 trang thông tin điện tử, 300 mạng xã hội được cấp phép. Cùng với báo chí, truyền thông xã hội ngày càng có vai trò tác động lớn đến dư luận xã hội. Với đặc trưng môi trường mạng, các tin “nóng” chỉ sau vài phút có thể được chia sẻ theo cấp số nhân đến hàng chục ngàn người.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong thời gian đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần truyền tải thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước đến cộng đồng người dùng internet. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp thành công.

Lãnh đạo Bộ TT&TT lắng nghe những ý kiến đóp góp của đại diện các DN.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, truyền thông xã hội  vẫn còn những mặt hạn chế. Phần do doanh nghiệp (DN) chủ quan chỉ dựa vào hệ thống quản lý tự động, phần chạy theo câu view quảng cáo nên chưa bố trí nhân sự kiểm duyệt, từ đó xảy ra tình trạng tin tiêu cực dày đặc tạo nên bức tranh xã hội u ám.  Thông tin bôi nhọ đời tư cá nhân, vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến, gây bức xúc cho xã hội.

Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho hay, thị phần quảng cáo trên mạng internet tại Việt Nam hiện nay đang dần rơi vào tay các DN nước ngoài. Cụ thể, ba “ông lớn” là YouTube, Google và Facebook đang chiếm 60% - 70% doanh thu quảng cáo. Phần ít ỏi còn lại thuộc về các trang tin điện tử, báo điện tử.

 
 
 

Đại diện một số DN như VCCorp, VNG, Yeah1 Network hay NCT Corp cho rằng cơ quan quản lý cần đối xử công bằng giữa các DN trong nước với DN nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Như cùng nội dung vi phạm nhưng Facebook, YouTube không có chế tài trong khi DN trong nước lại bị xử phạt rất nặng.

“DN không cần cơ quan Nhà nước hỗ trợ bằng tiền bạc mà hãy tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế. Khi nào các quy định mang tính “buộc chân” vẫn còn thì khi đó DN vẫn chưa thể mạnh dạn phát triển được, bởi làm gì cũng thấy mình sai”, đại diện một DN chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo (đứng giữa) phát biểu tại hội nghị. 

Ghi nhận các ý kiến nói trên, lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã làm việc với đại diện các DN nước ngoài có lượng người dùng đông đảo ở Việt Nam. Trong đó, YouTube đã gỡ bỏ 3.000 clip có nội dung xấu, độc hại. Facebook xoá 600 tài khoản, trong đó có 106 tài khoản giả mạo,  394 tài khoản kinh doanh trái phép, 132 tài khoản bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân, tập thể. Apple cũng đã xoá 6 game không phép và 4 game khác đang được cơ quan quản lý xem xét.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, đây là cuộc họp Giao ban truyền thông xã hội lần thứ 7 kể từ năm 2011 đến nay. Đây là dịp để cơ quan quản lý được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động, từ đó có đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Để phát huy lợi thế của truyền thông xã hội, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các DN tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Đặc biệt, cần chủ động trong việc cân đối tỷ lệ các tin/bài, thông tin tích cực, hạn chế tin tiêu cực, thông tin mặt trái của xã hội. Khi tổng hợp thông tin từ báo chí, các trang thông tin điện tử cần lựa chọn nguồn tin chính xác, hoạt động đúng như giấy phép được cấp.

Vietnamnet