Thứ năm, 18/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 18/04/2024 Tin tức - sự kiện

Thứ bảy, 01/12/2018

Video trên YouTube và Facebook đang thu hút mạnh quảng cáo

Quảng cáo số sẽ nhanh chóng bắt kịp quảng cáo trên truyền hình, đặc biệt là video marketing trên YouTube và các mạng xã hội khác. Trong đó, Facebook video đang được ưa chuộng tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch marketing lấy video làm trọng tâm.

Tại hội thảo "Luận bàn về hiệu quả tiếp thị số tại Việt Nam" được tổ chức tại TP.HCM gần đây, các chuyên gia trong ngành quảng cáo, tiếp thị đều cho rằng, các phương tiện số và truyền thông, quảng cáo kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển mạnh và những năm tiếp theo, đặc biệt là marketing qua DTDĐ, video và mạng xã hội.

Quảng cáo qua ĐTDĐ sẽ tăng trưởng cao, đặc biệt với sự hỗ trợ của smartphone và mạng 4G đang được triển khai. Mô hình LOSOMO (Local, Social, Mobile) được Masso Consulting dự báo bùng nổ tại Việt Nam từ hai năm trước sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là trào lưu "selfie" (tự chụp ảnh) của người tiêu dùng Việt Nam và sự yêu thích "photo post" (đưa ảnh lên trang cá nhân) của các bạn trẻ trên mạng xã hội.

Theo đó, quảng cáo số sẽ nhanh chóng bắt kịp quảng cáo trên truyền hình, đặc biệt là video marketing trên YouTube và các mạng xã hội khác. Trong đó, Facebook video đang được ưa chuộng tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch marketing lấy video làm trọng tâm.

Với tốc độ phát triển không ngừng trong lĩnh vực hoạt động, doanh thu năm 2020 của YouTube có thể chạm mốc 20 tỷ và kiếm được khoảng 5 tỷ USD tiền lãi. Nhưng quảng cáo không phải là cách duy nhất mà trang web có một tỷ người dùng có để kiếm tiền. YouTube đang tìm cách đưa những hướng đi mới nhằm thêm nguồn thu từ nội dung và cạnh tranh với các trang web trực tuyến khác như Netflix, Amazon.

Cùng với quảng cáo số, tiếp thị nội dung (content marketing) sẽ phát triển đến đỉnh điểm, tuy nhiên, sự bão hòa và quá tải của khối lượng nội dung sẽ đòi hỏi các thương hiệu tìm kiếm chiến lược nội dung sáng tạo - yếu tố mang tính quyết định trong việc cạnh tranh số lượng người xem (view) của cư dân mạng.

Theo các chuyên gia, trong thời đại thông tin số như hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bị phân tán bởi quá nhiều thông tin. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) đang sử dụng công cụ truyền thông này nên nhớ: Một thông điệp truyền thông súc tích sẽ lưu lại trong tâm trí đối tượng khách hàng DN hướng đến ở bất cứ chiến dịch nào.

Các thông điệp truyền thông cần đáp ứng hai tiêu chí quan trọng: hướng đến người dùng trên quy mô rộng và phù hợp với đối tượng đang hướng đến. Quan trọng hơn, thông điệp truyền thông phải tạo ra những trải nghiệm liên quan đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, marketing trải nghiệm, tích hợp trực tuyến (online) và trực tiếp (offline), trong đó lấy hoạt động tiếp thị offline làm nội dung và tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc chuyển đổi giữa hai kênh này sẽ là xu hướng được các thương hiệu nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn tại Việt Nam trong các năm tới.

Thách thức đặt ra cho công tác xây dựng thương hiệu trong bối cảnh hành vi và kênh tương tác thay đổi vẫn là bài toán về tính nhất quán, sự rõ ràng và mạch lạc của thông điệp giữa các kênh online và offline. Tích hợp online và offline là điều hiển nhiên, tuy nhiên, cần phải đảm bảo tính cô đọng của thông điệp khi truyền tải.

Tiếp thị số trong marketing (digital marketing) đang là cuộc chơi hấp dẫn cho một số nhãn hàng với nhiều tiềm năng đang đợi khai phá. Tuy nhiên, DN cần thận trọng vì việc vội vàng tham gia vào "trận chiến" này khi chưa hiểu biết thấu đáo đâu là nhân tố quyết định sự thành bại của một chiến lược marketing tiếp thị số sẽ gây ra những tổn thất không nhỏ cho chính DN.

Năm 2006, Google chi 1,6 tỷ USD để mua lại YouTube, thu hút sự chú ý của thế giới bởi lúc này công ty chỉ có 67 nhân lực. Ngay từ lúc đó, YouTube đã chứng tỏ mình là một "ngôi sao đang lên" nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh thực lực của công ty, cùng với đó là những e dè liên quan đến vấn đề bản quyền khi chia sẻ nội dung. CEO Google Eric Schmidt là người đã gọi YouTube với cái tên "bước tiến trong sự phát triển của Internet", quyết tâm đánh bại các đối thủ Microsoft, Yahoo, News Corp để đem YouTube về cho "gã khổng lồ tìm kiếm".