Trong năm 2024, Apple đã gỡ 90 và Google gỡ 294 game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành game, hạn chế game lậu, game vi phạm pháp luật, trong năm 2024, Bộ TT&TT đã phối hợp với các đơn vị chức năng, rà quét, ngăn chặn các kênh quảng cáo, các trò chơi cờ bạc, đổi thưởng trên không gian mạng.
Một game đánh bạc đang được phát hành trên kho ứng dụng AppStore của Apple. Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, năm 2024 đã có 667 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng trên nền tảng Facebook bị gỡ bỏ (đạt tỷ lệ 95%); ngăn chặn xử lý hơn 5.300 tên miền liên quan đến hoạt động quảng cáo, tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng; Rà quét, phát hiện hơn 600 game không phép, cờ bạc trên các chợ ứng dụng nước ngoài, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không kết nối thanh toán; Thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, Apple đã gỡ 90 game, Google đã gỡ 294 game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đối với các nhà phát hành game trong nước, Bộ TT&TT cũng tiến hành thực hiện rà soát, chấn chỉnh với 45 tổ chức, cá nhân về hoạt động cung cấp trò chơi điện tử.
Trong đó, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền phạt là 535 triệu đồng đối với các hành vi: Thay đổi địa chỉ đặt máy chủ cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng thông báo không đúng thời hạn; Ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi không có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1; không đáp ứng điều kiện kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1…
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc dừng hoạt động trong vòng 1,5 tháng đối với 1 trường hợp; dừng phát hành game G1 2 tháng đối với 1 trường hợp.
Về hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT cũng đã triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo và vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo chủ động tăng cường rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, không hợp tác quảng cáo với các website, trang, kênh, tài khoản vi phạm pháp luật; Tiếp tục mở rộng danh sách “White List” lên 8.000 website, báo điện tử, kênh nội dung, tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng đã được xác thực.
Bộ TT&TT cũng đã tiến hành phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và ban hành quy chế phối hợp về việc hạn chế xuất hiện trên báo chí, trên các nền tảng truyền thông xã hội, trên sân khấu biểu diễn đối với nghệ sỹ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, có hình ảnh, phát ngôn, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội. Kết quả, trong năm 2024 đã xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng.