Chủ nhật, 22/12/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Chủ nhật, 22/12/2024 Góp ý dự thảo VBQPPL

Thứ sáu, 19/02/2016

Báo điện tử phải có chuyên mục cải chính tại trang chủ

Theo Thường vụ QH, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề theo gợi ý thảo luận của Đoàn thư ký kỳ họp.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật này.

Cụ thể, có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật.

Về vấn đề này, UBTVQH có ý kiến như sau: Ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Đây là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép hoạt động.

Khác với báo chí, những sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức thực hiện, được xuất bản định kỳ nhưng không quảng bá rộng rãi (bản tin) hoặc xuất bản không định kỳ mà theo sự kiện, chủ đề (đặc san). Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã quy định về các sản phẩm này tại các khoản 10, 11, 24 Điều 4; khoản 2 Điều 10; khoản 5 Điều 20 (dự thảo cũ).


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu ý kiến tại phiên làm việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khác với những sản phẩm trên, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng; Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.

Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh. Đồng thời sửa khoản 24 Điều 4 (dự thảo cũ) thành khoản 17 Điều 3 (dự thảo mới) như sau: “Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức sản xuất; có đội ngũ biên tập và có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, bao gồm đặc san, bản tin”.

Đề cập đến những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí (Điều 9), nhiều ý kiến đề nghị ghép nội dung khoản 1 và khoản 2, đổi tên Điều 10 (dự thảo cũ) là Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí vì các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ quy định các hành vi cấm, không quy định nội dung bị cấm. Một số ý kiến đề nghị lược bỏ những nội dung đã quy định trong Bộ luật Dân sự để tránh trùng lặp và bỏ một số từ ngữ gây ấn tượng nặng nề.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng sửa tên Điều 10 (dự thảo cũ) thành Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; ghép nội dung khoản 1 và 2; đồng thời lược bỏ quy định tại các điểm g, h và i khoản 1 để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật (vì đã được quy định tại Bộ luật Dân sự); chuyển các quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 2 về các điều có nội dung phù hợp vì đây là các hành vi vi phạm quy định của Luật chứ không phải là hành vi cấm; bỏ các từ ngữ dâm ô, chém giết rùng rợn để tránh gây ấn tượng nặng nề.

Theo UBTVQH cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung cấm như: xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã bổ sung những nội dung trên vào khoản 2, 3 Điều 9 (dự thảo mới).

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung cấm như: lạm dụng báo chí gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân; hành vi trục lợi trong hoạt động báo chí; khai thác các nội dung về tệ nạn xã hội, đời tư quá mức để đưa tin giật gân, câu khách; lợi dụng danh nghĩa nhà báo để phục vụ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội. Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy quy định tại các điểm c, d, e khoản 3 Điều 33 (dự thảo cũ) về nghĩa vụ của nhà báo đã bao hàm đầy đủ các nội dung đại biểu đề cập, do đó không cần bổ sung tại điều này.

Đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II), UBTVQH cho biết, đa số ý kiến cho rằng tên Chương II và nội dung của chương chưa chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; chưa làm rõ nội dung quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trình bày thiếu logic và trùng lặp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh lý tên Chương II thành Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và thiết kế lại chương này theo hướng quy định cụ thể quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (các Điều 10 và 11 dự thảo mới); trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (Điều 12 dự thảo mới).

Về việc  bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, TVQH cho biết, một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "nếu có hại cho người đó" vì cụm từ này mang tính định tính, phụ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của mỗi người. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi thể hiện tại khoản 4 Điều 37 (dự thảo mới).

Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin” tại khoản 4 Điều 37 (dự thảo mới).

Đối với quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, TVQH cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định như tại khoản 2 Điều 37 (dự thảo mới).

Về cải chính trên báo chí (Điều 41), UBTVQH cho biết, một số ý kiến đề nghị cần quy định việc đăng cải chính ở một chuyên mục riêng để thuận tiện cho độc giả theo dõi. Có ý kiến đề nghị phải đăng phần cải chính ở trang nhất.

Sau khi cân nhắc ý kiến đại biểu, trên cơ sở đặc thù của từng loại hình báo chí, dự thảo Luật đã thiết kế lại nội dung này như sau:Thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả phải được đăng phát tại một mục riêng. Việc đăng, phát chuyên mục cải chính đối với từng loại hình báo chí phải được thực hiện như sau: tại trang 2 (đối với báo in), trang cuối (đối với tạp chí in), chuyên mục riêng tại trang chủ (đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin; đúng chuyên mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng (đối với báo nói, báo hình)”.

Một số ý kiến đề nghị khi báo chí đăng thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân thì ngoài việc đăng, phát lời cải chính công khai, cần phải bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, vật chất. UBTVQH cho rằng, hiện nay vấn đề này đã được quy định tại các luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật Báo chí.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định có thể khởi kiện ra tòa đối với những trường hợp cơ quan báo chí không cải chính và xin lỗi khi đăng thông tin sai sự thật. Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy khoản 1 Điều 41 (dự thảo cũ) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện ra tòa ngay khi có bằng chứng chứng minh thông tin báo chí sai sự thật, mà không cần phải chờ đến khi cơ quan báo chí không đăng cải chính, xin lỗi. Do vậy, UBTVQH cho rằng không cần thiết phải bổ sung quy định này.

(Theo infonet)