Thứ ba, 10/12/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 10/12/2024 Góp ý dự thảo VBQPPL

Thứ hai, 16/11/2015

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Không để lợi ích nhóm chi phối báo chí"


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Tự do báo chí của chúng ta rất mạnh mẽ

Mở đầu phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ, có thể nói,  Luật Báo chí (sửa đổi) là luật khó khăn và phức tạp. Bộ trưởng dẫn chứng: “Như chúng ta đã biết, Luật Báo chí đã được soạn thảo từ Quốc hội khóa XII, soạn thảo đến lần thứ 17. Sau đó, chương trình có thay đổi, đã dừng lại. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chuyển sang một thời điểm khác thích hợp để thông qua.

Căn cứ vào Nghị quyết 70 của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã chính thức giao cho Chính phủ trình Luật Báo chí (sửa đổi).  Luật báo chí lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1989, sau đó 10 năm, sửa đổi lần thứ nhất, năm 1999. Sau 16 năm, năm 2015,  Luật Báo chí được sửa đổi lần thứ 2.

“Đây là luật lớn, cũng thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về tự do báo chí, chứ không phải đến bây giờ có Hiến pháp mới chúng ta mới nói đến tự do báo chí. Ngay lúc đó, chúng ta đã có quyền tự do báo chí được chế định trong luật. Đây là sự tiến bộ, sự ưu việt của Nhà nước ta.

Thực tế, hiện nay chúng ta thấy chỉ có 20 nước có Luật Báo chí. Nhiều nước chưa có Luật Báo chí kể cả Mỹ và Trung Quốc. Những nước lớn như vậy cũng chưa có Luật báo chí”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.

Tuy rằng, Luật Báo chí của chúng ta hiện nay có nhiều điểm bất cập, vì những bất cập ấy là cơ sở pháp lý, thực tiễn để sửa đổi Luật Báo chí.

Bộ trưởng giải thích, Luật Báo chí sau 16 năm có hiệu lực đã xuất hiện nhiều bất cập. Bởi vì, trong tình hình hiện nay, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống báo chí, phương thức hoạt động của báo chí cũng thay đổi, loại hình báo chí cũng tăng lên, mà Luật Báo chí hiện nay không bắt kịp với những thay đổi của đời sống báo chí.

Thời cơ sửa đổi Luật Báo chí đã chín muồi, nhưng việc viết ra, thảo luận về Luật Báo chí ở thời điểm hiện tại là rất nhạy cảm. Sự bùng nổ thông tin báo chí với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện tại nước ta là một nước có nhiều cơ quan báo chí.

“Khi chúng tôi soạn dự thảo Nghị định 72, có nhiều thông tin trên trang mạng, đối tác nước ngoài cũng cho rằng tại sao Việt Nam không tự do ngôn luận, không tự do báo chí. Chúng tôi nói rằng, hiện nay, ít có nước nào có nhiều đài phát thanh truyền hình như Việt Nam. Chúng ta có tất cả các tỉnh thành đều có đài phát thanh, truyền hình. Có 3 đài phát thanh, truyền hình trung ương, 63 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Chúng ta có nhiều cơ quan báo chí, từ người cao tuổi đến thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ đều có báo, kể cả hội làm vườn cũng có báo. Các thành phần trong xã hội, cơ bản đều có báo. Ít nước nào có được đông đảo báo chí như vậy, không có nước nào có báo của các bộ, ngành”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, chính vì có nhiều cơ quan báo chí như vậy, tự do báo chí của chúng ta rất mạnh mẽ, báo chí cũng được quan tâm rất nhiều.

Không để lợi ích nhóm chi phối báo chí

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định, đương nhiên về mặt xã hội, cần phải tổ chức lại lực lượng báo chí sao cho hiệu quả hơn, mạnh hơn. “Với tinh thần đó, soạn thảo Luật Báo chí là một thách thức. Chính vì thách thức đó mà chúng ta đã đưa ra 17 lần vẫn chưa thông qua. Lần này chúng tôi sẽ phải chỉnh sửa kỹ càng, kỳ họp thứ 11 này mới xem xét và vài lần chỉnh sửa nữa. Mọi việc chúng ta không thể cầu toàn được, nhưng chúng ta sẽ tiệm cận dần đến sự phù hợp với hiện tại” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội, tại sao Luật Báo chí không quy định về những trang tin và truyền thông xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ: “Trước đây, khi soạn thảo luật lần đầu cũng đã đưa vào một số chế tài đối với trang tin điện tử, hoặc truyền thông xã hội. Nhưng thảo luận mãi, chúng ta cũng thấy rõ nhiều vấn đề và hiện nay không có cụm từ nào nói đến truyền thông xã hội”.

Bộ trưởng giải thích, trang tin điện tử đã được định nghĩa trong Điều 20 Nghị định 72. Chính vì vậy, nếu Luật Báo chí chế định cả trang thông tin điện tử thì vô hình chung chấp nhận có báo tư nhân. Đấy hoàn toàn là hoạt động tư nhân. Đối tượng điều chỉnh này có thể chế định bằng luật khác. Cụ thể, sau này có thể nâng Nghị định 72 lên thành luật để chế tài các loại hình khác báo chí, cơ quan báo chí.

Nói rõ hơn về vấn đề “không tư nhân hóa báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Quan điểm của Đảng là báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền là vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế, Luật Báo chí cũng phải quán triệt điều này”.

“Nhất quán quan điểm báo chí của ta là báo chí cách mạng. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng và quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Không có thương mại hóa báo chí, không tư nhân hóa báo chí không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí. 

Báo chí không cần nhiều nhưng phải cần tinh gọn. Làm sao phát huy được sức mạnh của báo chí. Quản lý báo chí làm sao phải phát triển mạnh hơn nhưng số lượng phải phù hợp ”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh./.

(Theo infonet.vn)