Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu khai mạc
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chủ trì hội nghị. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đại diện Sở TT&TT và Sở Tài chính các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào; đại diện một số cơ quan báo chí, xuất bản khu vực phía Nam…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, việc xây dựng 02 dự thảo nêu trên là nhằm thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP). Thông tin truyền thông là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó các cơ quan báo chí – xuất bản có nhiều đặc thù so với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, đó là thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phục vụ mục đích chính trị, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do đó, trước khi làm việc thống nhất với các bộ ngành để trình Chính phủ, Bộ TT&TT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các đơn vị liên quan để đảm bảo dự thảo phù hợp thực tế, giúp Nhà nước tiếp tục quản lý tốt nguồn ngân sách, minh bạch hóa được cơ chế sử dụng kinh phí, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy hoạt động của các đơn vị thông tin truyền thông, báo chí.
Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ TT&TT, hiện nay tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông thuộc các cơ quan quản lý nhà nước có trên 1.800 đơn vị, trong đó có 939 đơn vị báo chí, 44 đơn vị xuất bản, và khoảng 900 đơn vị sự nghiệp thông tin truyền thông khác (bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thông tin điện tử).
Nhìn chung, các đơn vị đã có sự chủ động hơn trong việc triển khai nhiệm vụ được giao, chủ động khai thác nguồn thu, nhất là lĩnh vực báo hình và báo điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: các cơ quan báo chí có tính đặc thù, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, vừa thực hiện cung ứng dịch vụ thông tin giải trí, thương mại, nhưng cơ chế hỗ trợ của nhà nước chưa phân tách để quản lý phù hợp; Thực tế, các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động vẫn chưa được tự quyết định biên chế mà vẫn do cơ quan chủ quản cấp trên giao nên đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị; Việc phân bổ kinh phí thường xuyên còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và ngân sách nhà nước, mà chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí, nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của cấp trên… Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng tới mục tiêu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp theo từng mức độ tự chủ. Đồng thời, xây dựng lộ trình tính đủ chi phí tiền lương, chi thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước và khả năng chi trả của người dân. Phân định rõ giá, phí theo từng loại hình dịch vụ được ngân sách nhà nước hỗ trợ và dịch vụ không được hỗ trợ. Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo hướng từng bước chuyển đổi từ phương thức giao dự toán sang đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp…
Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đánh giá dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có sự cập nhật để phù hợp tình hình hoạt động thực tế của các đơn vị. Đại diện một số cơ quan báo chí – xuất bản cũng có những ý kiến cho rằng tuy có quy định cho phép chấm nhuận bút vượt khung, nhưng lại kèm theo điều kiện đảm bảo khấu hao và doanh thu năm sau cao hơn năm trước là rất khó khả thi, bởi hiện nay đa phần các cơ quan báo chí – xuất bản hoạt động khó khăn hơn trước, doanh thu thông thường sụt giảm 10 – 20%/năm. Do đó, một số đại diện cho rằng nên có quy định cho phép các đơn vị tự chủ tài chính được chi nhuận bút vượt khung để có chế độ phù hợp cho tác giả, cũng là cách để nâng cao chất lượng nội dung.
Đồng thời, một số đại biểu đề xuất đối với khoản tiền lãi ngân hàng, cho phép đơn vị được đưa vào nguồn thu nhập tăng thêm, thay vì phải đưa vào quỹ phát triển sự nghiệp. Đa số các đại biểu đều thống nhất đề xuất không nên quy định phải thành lập Hội động quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp báo chí và đơn vị sự nghiệp xuất bản, vì sẽ khiến bộ máy quản lý cồng kềnh, khó phối hợp, khó thống nhất giữa quản lý tài chính và quản lý nội dung. Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ TT&TT – cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản vì hiện nay các nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng ăn cắp bản quyền, vốn đầu tư mua bản quyền lớn nhưng thu hồi chậm, Luật Xuất bản cũng nghiêm cấm quảng cáo…/.