Thứ hai, 06/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 06/05/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ tư, 20/12/2023

Báo chí cần một sự “dịch chuyển số” căn bản, thực chất

Trong xu thế phát triển xã hội số mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu thông tin và sự khám phá hiểu biết của con người về tri thức luôn là “dòng chảy” không ngừng, bất tận.

Vì điều này, với tất cả ngành nghề, trong đó có báo chí cũng bị tác động, ảnh hưởng. Và để báo chí phát triển, điều cần chính là phải luôn đổi mới, dịch chuyển, thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) thực chất, có chiều sâu, sự tập trung.

Có sự chênh lệch giữa các đối tượng độc giả

Nói về những thay đổi trong xu hướng số hiện nay, nhất là những vấn đề của độc giả, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet cho rằng, hiện nay, phần lớn độc giả trẻ đang thay đổi thói quen thụ hưởng tin tức. Đó là sự thay đổi thói quen từ việc thụ hưởng các sản phẩm báo chí truyền thống chuyển dịch sang thụ hưởng thông tin từ các nền tảng báo chí số hiện đại.

Hơn nữa, trong xu thế này, việc già hoá dân số đang dẫn đến việc các độc giả thế hệ lớn tuổi khó tiếp cận với sự phát triển số. Thay vào đó, độc giả trẻ đang thiết lập môi trường, thói quen sinh hoạt số phải nhanh, đạt tốc độ cao.

Các cơ quan báo chí muốn phát triển cần tập trung các tuyến bài chuyên sâu, đồng thời, liên kết, tương tác cùng với độc giả (Ảnh: Internet)

Vì chính những sự thay đổi căn bản này, dẫn đến việc các cơ quan báo chí khi hoạt động bị ảnh hưởng, đa phần khó lựa chọn những đề tài, chủ đề thông tin để cung cấp, đáp ứng mọi nhu cầu chênh lệch giữa các đối tượng độc giả.

Khó khăn hạn chế vẫn chưa dừng lại. Làm việc trong môi trường số phát triển không tránh khỏi những thông tin giả, xuyên tạc, giật gân, câu khách… xuất hiện trên nhiều trang, nền tảng mạng xã hội. Điều này làm lũng loạn thông tin, dẫn đến một số độc giả trở thành nạn nhân của những chiêu trò thông tin mang động cơ, mục đích xấu.

Đứng trước những xu hướng, sự thay đổi đáng kể này, theo ông Nguyễn Văn Bá, các cơ quan báo chí muốn phát triển, ngoài việc cần bám sát các tôn chỉ, mục đích của mình, đồng thời cần một sự dịch chuyển số căn bản, thực chất, thường xuyên trong mọi quy trình sản xuất tin, bài cũng như phải có sự tương tác số hai chiều nhằm hiểu mong muốn, nhu cầu của độc giả.

Muốn phát triển, thu hút được độc giả, các cơ quan báo chí cần tập trung vào các thông tin mang tính tri thức, đôi khi cũng cần có sự điều chỉnh về lượng thời gian, tần suất đăng bài về một nội dung. Bài viết đăng nhiều trong khoảng thời gian ngắn sẽ khiến độc giả không đọc kịp.

“Việc nhanh chóng, kịp thời đưa những thông tin thời sự mang tính chính thống cao có tính xác thực để giữ chân bạn đọc và tập trung các tuyến bài chuyên sâu, đồng thời liên kết, tương tác cùng với độc giả… là điều luôn cần trong việc phát triển của các cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Văn Bá nhấn mạnh.

Báo chí cần “điểm chạm” trên mọi kênh số

Cũng mang những quan điểm, trăn trở hướng đến sự phát triển bền vững cho các cơ quan báo chí, bà Đào Thu Hà, Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng ngoài vấn đề chất lượng nội dung, vấn đề nguồn thu, kinh tế báo chí cũng rất quan trọng, cần phải thực hiện đẩy mạnh song hành.

“Các cơ quan báo chí cần có sự thay đổi, dịch chuyển từ doanh thu quảng cáo báo chí truyền thống sang việc bán các sản phẩm báo chí trên các nền tảng số hoặc kênh phát hành số; sử dụng các nền tảng xã hội để thu hút độc giả và cần khai thác hiệu quả các “điểm chạm” trên mọi kênh số, nền tảng số. Làm tốt những điều đó, báo chí mới trở thành những đơn vị có sức mạnh, bản sắc, thương hiệu riêng…”, bà Đào Thu Hà nhấn mạnh.

Cũng theo bà Đào Thu Hà, đặc biệt các cơ quan báo chí cần tập trung xây dựng các chiến lược về CĐS; đa dạng kịch bản về mặt nội dung tin, bài, chủ đề; đa dạng hoá các hình thức trình bày; sớm hình thành, tạo ra nguồn dữ liệu báo chí phục vụ lâu dài sự phát triển bền vững của các đơn vị báo chí.

Cần áp dụng các quy trình số, ứng dụng số

Ở quan điểm khác cũng nói về sự dịch chuyển số và hướng đi thay đổi phù hợp hiện nay, ông Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An nhấn mạnh, giờ đây các cơ quan báo chí đa phần gặp phải những khó khăn về nguồn thu. Trong khi đó nguồn thu có vai trò quan trọng để tái thiết lập sự phát triển.

Vì điều này, giải pháp duy nhất muốn tăng nguồn thu, các đơn vị, cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, áp dụng các quy trình số, ứng dụng số đối với mọi quá trình của toà soạn.

Nói cách khác, các cơ quan báo chí cần có sự dịch chuyển số toàn diện, CĐS toàn diện trên mọi phương diện trước, trong, sau đối với các sản phẩm bài viết và cần thấu hiểu, có sự tương tác với các độc giả khi thụ hưởng các sản phẩm của chính các đơn vị báo chí mình cung cấp.

Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ quan báo chí cần tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. “Cần hướng đến việc chuyển dịch từ tư duy, cách viết truyền thống sang tư duy số, sản phẩm số chất lượng dễ đọc, dễ hiểu, dễ lôi cuốn…”, ông Ngô Đức Kiên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ngô Đức Kiên, các cơ quan báo chí cần phải coi trọng công tác họp, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra phương pháp, giải pháp mới để thay đổi, dịch chuyển phù hợp với xu thế số, nhu cầu số, sự đa dạng các sản phẩm, bài viết về ngành, chuyên ngành, đa lĩnh vực…

Ông Ngô Đức Kiên còn cho biết, Báo Nghệ An là báo chí địa phương, cơ quan ngôn luận của tỉnh, do vậy, ít nhiều các nội dung phản ánh của bài viết sẽ có sự khác biệt đối với các cơ quan báo chí trung ương. Tuy nhiên, Báo Nghệ An những năm qua vẫn luôn không ngừng nỗ lực thay đổi, phát triển, đạt được nhiều thành tựu nhất định.

Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ với Báo Nghệ An mà nói chung với các báo địa phương khác, ông Ngô Đức Kiên cho rằng, trong hướng đi tổng thể không thể không tập trung đến việc xây dựng nguồn dữ liệu thông tin đa dạng; không thể thiếu tầm nhìn hoà nhập, sự xuyên suốt cùng dòng chảy thông tin và xu hướng thông tin số.

Như vậy, có thể nói với những quan điểm chia sẻ từ những đại diện cơ quan, đơn vị báo chí nêu trên, có thể thêm sự khẳng định, giờ đây và trong tương lai, chỉ có các cơ quan báo chí: Thường xuyên, không ngừng CĐS; bắt kịp xu hướng số; ứng dụng các nền tảng số… trong mọi hoạt động quản trị, kinh doanh, nội dung, thì mới “giữ chân”, hoặc nhận được sự “mặn mà” từ độc giả hay các đối tượng người đọc trung thành./.

Nguồn https://ictvietnam.vn/bao-chi-can-mot-su-dich-chuyen-so-can-ban-thuc-chat-62170.html