Thứ hai, 18/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 18/11/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ tư, 13/11/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Sáng ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế đươc Quốc hội và cử tri quan tâm, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin giả là vấn đề mang tính toàn cầu

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, trong những năm qua, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, lại cạnh tranh khốc liệt với báo chính thống cả về thông tin và doanh thu.

"Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng có phương án như thế nào để quản lý mạng xã hội?", đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Trong lần trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nói về một số giải pháp mới.

Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây chỉ quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Còn Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, trước đây hay nghĩ nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng theo Bộ trưởng TT&TT, ở đây có trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội. "Họ có không gian riêng, thuê bao riêng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng, thì họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật".

Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng là công tác truyền thông. "Chúng ta sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm vẫn còn có những tồn tại. Không gian mới là không gian số thì mới được 20 năm, mới lạ với tất cả chúng ta". Bởi vậy, vấn đề truyền thông để người dân có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số... không chỉ cho chúng ta, mà còn cho thế hệ tương lai, tức các em học sinh.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả, tin sai sự thật quốc gia để người dân có nơi để phản ánh, đề nghị giúp đỡ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Muốn giữ vững trận địa, báo chí phải làm khác mạng xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, trong giai đoạn bùng nổ thông tin với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, thì hiện tượng "người người làm báo, nhà nhà làm báo", làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, với nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật đã gây bức xúc trong dư luận.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời có các giải pháp nào nhằm nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?", đại biểu đoàn Bến Tre nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói đã lấy mất nghề của báo chí. Nghề báo chí trong nhiều trăm năm qua tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu phóng viên mà không phải trả tiền lương, họ ở khắp mọi nơi.

"Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp; thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, báo chí trong không gian thực là lực lượng chủ đạo, còn hiện nay lên không gian mạng, thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy, đảm bảo chất lượng tin tức, nội dung. Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.

"Chúng tôi cũng xác định cách tốt nhất để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên)

Báo chí phải quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả

Đặt vấn đề trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết, bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế đã chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo là trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.

Nêu rõ thực trạng trên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch, bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí.

Đây là sự thay đổi lớn. Thực tế cho thấy, "từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí". Khẳng định điều này, Bộ trưởng nêu rõ, trong kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí hiện hành đã có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép "một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo".

Bộ trưởng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau. Do vậy, báo chí phải có sự khác biệt với mạng xã hội, đó là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Đồng thời, trong quá trình sửa Luật Báo chí, Bộ cũng đề xuất theo hướng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Nhiều giải pháp xóa bỏ vùng lõm sóng

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, theo khảo sát năm 2024, chỉ số hạ tầng viễn thông, internet tăng trưởng khá mạnh trong 02 năm gần đây. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp ở nước ta đang hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ và ứng dụng số.

Tuy nhiên, việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân hiện nay chưa nhiều, có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực, các vùng miền, trong đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lại càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ có chính sách gì để hỗ trợ người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng, miền trong cả nước.

Đối với vấn đề phủ sóng internet, Bộ trưởng cho biết, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn về vấn đề này. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng. Về cơ chế thông thoáng, trong năm nay, Bộ sẽ ban hành Nghị định để có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ Chương trình Sóng và Máy tính cho em để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với những trạm không có điện, khó khăn trong triển khai điện thì sẽ dùng giải pháp vệ tinh. Với những trạm không thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, Bộ đã đôn đốc để các nhà mạng tích cực phủ sóng, mục tiêu đặt ra là phủ sóng trong năm 2024.

Trả lời ý kiến đại biểu về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Ở nước ta, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn đã có 36 đại biểu chất vấn, 09 đại biểu tranh luận.

Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hoạt động quảng cáo xuyên biên giới được tăng cường giám sát, các quảng cáo vi phạm được yêu cầu chặn, gỡ kịp thời. Tăng cường quản lý chuyên ngành hoạt động quảng cáo, nhất là xử lý vi phạm liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Mạng di động đã phủ sóng 99,8% dân số, giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ mới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng còn có những tồn tại, hạn chế như: Còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi. Việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí còn một số vướng mắc. Mức độ chuyển đổi số báo chí chưa cao. Các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí còn bất cập; việc kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đại lý quảng cáo còn khó khăn.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra./.

Nguồn https://mic.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-da-tra-loi-day-du-cac-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-197241112213523127.htm