Thứ hai, 18/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 18/11/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ sáu, 13/09/2024

Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý III/2024 với các Sở TT&TT

Sáng ngày 12/9/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý III/2024 với các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Phạm Đức Long cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Công đoàn ngành TT&TT, lãnh đạo các Sở TT&TT và đại đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên trách về CNTT tại các Bộ, ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cơn bão số 3 và những bài học cho lĩnh vực TT&TT

Vừa qua, cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hạ tầng bưu chính viễn thông tại một số tỉnh, trong đó, Quảng Ninh và Hải Phòng là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thứ trưởng Phạm Đức Long

Theo thông tin của Sở TT&TT Quảng Ninh, đến nay, công tác khắc phục trong lĩnh vực TT&TT cơ bản đã hoàn thành, thông tin liên lạc đã thông suốt. Trong cơn bão vừa qua, toàn bộ mạng lưới viễn thông gần như tê liệt vì sức gió lên đến cấp 17, mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Vì thế, Sở kiến nghị cần xem xét lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực viễn thông để có thể chống chọi với các thảm họa thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Đồng thời, cũng cần phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống đặc biệt, khẩn cấp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Về công tác truyền thông, trong thời gian bão lụt, hệ thống loa truyền thanh bị tê liệt do mất điện, do cây đổ… nên cần có các phương án truyền thông khác thay thế. Xuất hiện tin giả, trang fanpage lửa đảo kêu gọi ủng hộ người dân khu vực bão lụt.

Đại diện Sở TT&TT Hải Phòng chia sẻ, trước bão, Sở cùng với các doanh nghiệp viễn thông đã hạ tải 87 trạm BTS. Sau bão, gẫy đổ 48 trạm BTS, nặng nhất là ở đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Hiện nay, 90% nội thành Hải Phòng đã được phủ sóng của cả 3 nhà mạng, hiện chưa có con số thiệt hại cụ thể của 3 nhà mạng sau bão.

Toàn cảnh Hội nghị

Sở TT&TT Hải Phòng đề xuất việc sử dụng điện thoại vệ tinh cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão thành phố. Trong thời gian sắp tới, Hải Phòng tiếp tục công tác ngầm hoá hạ tầng viễn thông, vốn đã làm rất tốt thời gian qua, cũng như lên phương án với các nhà mạng về việc xây dựng nhà trạm kiên cố dùng chung tới cấp huyện, nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới trong trường hợp khẩn cấp.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sau cơn bão số 3, có nhiều bài học đã được rút ra từ thực tiễn. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh lập kế hoạch về đảm bảo viễn thông trong tình huống khẩn cấp, như thiên tai, lũ lụt… Quan trọng nhất là khi thiên tai không được để gián đoạn sự điều hành của chính quyền các cấp. Cụ thể là, đến cấp huyện phải có 3 nhà trạm có độ kiên cố cao (cột vững chắc, máy nổ dự phòng được lâu dài, truyền dẫn cáp quang). Các nhà mạng có thể dùng chung các nhà trạm kiên cố này để tối ưu hoá chi phí, đồng thời đẩy mạnh công tác ngầm hoá. Đây là việc bắt buộc phải làm và các Sở TT&TT phải coi đó là việc của mình.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối với 63 Sở TT&TT địa phương

Tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Bộ đã báo cáo về tình hình kiến nghị và xử lý kiến nghị của các Sở TT&TT. Theo đó, Văn phòng đã nhận được 157 kiến nghị, nhiều nhất là lĩnh vực chuyển đổi số (42 kiến nghị), tiếp theo là lĩnh vực báo chí (41 kiến nghị). Trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhiều nhất là các kiến nghị liên quan đến Nghị định 82 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước. Đa phần câu hỏi đều tập trung vào vấn đề: Đối với các dự án CNTT đang triển khai đã làm theo trình tự, thủ tục của Nghị định 73 cũ thì có phải làm lại theo Nghị định 82 (có hiệu lực từ 10/7/2024) hay không. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định, đối với các dự án đã triển khai theo trình tự của Nghị định 73 cũ thì cứ tiếp tục làm theo Nghị định 73. Chỉ có các dự án bắt đầu từ ngày 10/7/2024 thì phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục do Nghị định 82 quy định.

Đến hết năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt trên 80%

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về dịch vụ công trực tuyến, ngày 31/8 vừa qua, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Đà Nẵng. Mục tiêu đặt ra là đến hết 2025, tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt trên 80%, tức là tiến tới mức của các nước đã phát triển.

Đà Nẵng có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình đạt gần 70%. Còn trung bình của các địa phương mới đạt 18%. Đây là một mục tiêu cao. Tuy nhiên, đã có mô hình thành công, các tỉnh dựa trên mô hình thành công này để làm sao cho đến 2025 phải triển khai xong. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu cụ thể đến từng Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng giao và sẽ quản lý theo mục tiêu.

Theo Bộ trưởng, đây là một mục tiêu cao nhưng nếu nhìn dưới góc nhìn khác thì sẽ thành việc dễ. Theo thống kê, khoảng 8,2% số lượng dịch vụ công phát sinh đến 80% hồ sơ. Do đó, để đạt được mục tiêu 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến thì cần tập trung làm các dịch vụ công này trước.

Về việc đo lường sóng di động tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Viễn thông và VNNIC đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch đo sóng di động đến cấp xã, từ đó tạo ra bức tranh toàn cảnh về chất lượng sóng di động trên phạm vi toàn quốc. Bộ đã hoàn thiện phương tiện đo sóng, hướng dẫn cách làm, còn việc phủ sóng di động đến xã là câu chuyện của tỉnh, của địa phương vì hiện nay sóng di động giống như "không khí", như "hơi thở cuộc sống", đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong cuộc sống của người dân.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ đạo về việc phủ sóng cáp quang đến các hộ gia đình; việc các Cục, Vụ thuộc Bộ chia sẻ hệ tri thức của mình cho các Sở TT&TT, để trên cơ sở đó Sở đưa hệ tri thức của mình vào nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức tại địa phương. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo cán bộ công chức kết hợp cả hai hình thức online và offline vì trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc học là quan trọng và kiến thức cần phải được cập nhật thường xuyên./.

Nguồn https://mic.gov.vn/hoi-nghi-giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-quy-iii-2024-voi-cac-so-tttt-197240912163452892.htm