Thứ hai, 06/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 06/05/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ sáu, 29/12/2023

Muốn chuyển đổi số phải truyền cảm hứng, sáng tạo, có khi phải “ép”

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ cao cả, lớn lao, cần truyền cảm hứng, sáng tạo và có khi phải “ép” để hoàn thành công việc.

CĐS vừa là mục tiêu vừa là động lực

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT&TT ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết năm 2023, đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để đạt được những kết quả đáng khích lệ, đủ để làm ấm lòng tất cả mọi người, để tiếp tục dấn bước trên chặng đường sắp tới trong năm 2024.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Bộ TT&TT có đóng góp lớn vào những thành tựu của đất nước.

Trong nhiều thành tích đạt được của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết có lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), trong đó có sự đóng góp rất lớn của Bộ TT&TT và các đơn vị trực thuộc. Thay mặt thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ TT&TT.

Phó Thủ tướng đồng tình với các báo cáo kết quả công tác năm 2023 của Bộ TT&TT cũng như những ý kiến đóng góp rất xác đáng của các ban, bộ, ngành Trung ương tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng chia sẻ Hội nghị tổng kết ngoài nhận định lại tình hình, những việc làm được, chưa làm được, khúc mắc và đường hướng năm tới thì còn một việc rất quan trọng là nghe mọi người nghĩ về mình như thế nào và thực sự chia sẻ với nhau.

“Tôi cho cái này cũng rất quan trọng để trong năm 2024 và thời gian tới, chúng ta đồng hành với nhau tốt hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn”, Phó Thủ tướng cho biết.

Với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng tiếp tục trao đổi, Ngành TT&TT đang làm những việc rất hiện đại, đòi hỏi phải có tri thức. Những khái niệm rất mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chatGPT... nếu nói gọn thì Ngành đang tiếp cận gần nhất với thế giới bên ngoài.

Phó Thủ tướng chia sẻ Ngành TT&TT có tự hào nhưng cũng có rất nhiều áp lực. CĐS vừa là mục tiêu vừa là động lực. CĐS sẽ là cứu cánh trong câu chuyện cải cách hành chính, giúp đạt mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2030, năm 2045. Để đạt mục tiêu phát triển, chúng ta phải đi tắt đón đầu. “Chúng ta chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, CĐS, bằng những câu chuyện chúng ta bàn với nhau hôm nay”.

Phó Thủ tướng nhận định: “Thế giới chuyển đổi rất nhanh nên trách nhiệm của Bộ TT&TT là để khoảng cách của Việt Nam với thế giới không bị xa ra nữa, không bị loãng ra nữa. Việc chuyên sâu nên thường xuyên phải học, phải cập nhật, phải liên tục, chậm một bước là người ta đi trước mình một quãng xa”.

Trong lĩnh vực quản lý truyền thông, xuất bản, Bộ TT&TT phải ứng xử rất nhanh, áp lực công việc 24/7, 1 giờ sáng cũng phải làm. Phó Thủ tướng rất chia sẻ với Bộ TT&TT và đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT: “Đối với những việc khó, chúng ta phải có cách tiếp cận, cách xử lý khác”.

Câu chuyện CĐS hướng mọi người theo phải tạo ra sự hứng khởi, thú vị để mọi người làm theo; vận động thuyết phục và có thể phải "ép" phải bằng quy định.

“Làm như thế nào, lúc nào thuyết phục vận động, lúc nào tạo cảm hứng, lúc nào thì ép là việc của Bộ TT&TT nhưng trong giai đoạn này có những việc mong Bộ TT&TT phải “ép”, “không ép không xong”. Nói gọn lại thì điều này có thể nói ở hai chữ “sáng tạo”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nói về CĐS là nhiệm vụ cao cả, lớn lao, Phó Thủ tướng cho biết kinh phí rót cho lĩnh vực ít. Theo đó, Bộ TT&TT phải có những đề xuất sớm với Bộ Tài chính để đưa vào kế hoạch trung hạn. Chính phủ đã có báo cáo với Chủ tịch Quốc hội tháo gỡ vướng mắc mua sắm thuộc về nguồn vốn sự nghiệp.

Ngành cũng có nhiều DN công nghệ mạnh như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và rất nhiều DN khác có nguồn lực, theo đó, cần có cơ chế chính sách đúng, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN và lợi ích của cộng đồng thì sẽ có nguồn lực kinh phí.

Toàn cảnh Hội nghị

Quản lý báo chí không chủ quan, lỏng lẻo

Đối với quản lý báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lỏng lẻo và lưu ý quản lý từng bước chấm dứt việc đánh đấm của báo chí. Thứ hai là phải nâng cao chất lượng cạnh tranh để báo chí có thể sống với nghề, trụ lại được.

Với sức ép của truyền thông đa phương tiện như bây giờ, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí muốn tồn tại là một việc không hề đơn giản. Trước hết, báo chí phải thực hiện giai đoạn hai của Đề án sắp xếp lại các cơ quan báo chí kết thúc vào năm 2025.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cần phải quan tâm đến sách, đến các nhà xuất bản đang bị cạnh tranh. “Bản thân chúng ta hiện nay thường bật điện thoại đọc chứ ít ai ra mua cuốn sách nào đọc nhưng sách có giá trị nhất định. Tôi đi nước ngoài thấy người dân vào hiệu sách đông, mua sách nhiều lắm và tặng nhau bằng sách văn minh lắm. Đọc trên điện thoại là xu thế nhưng xuất bản phải cố gắng”.

Tử tế với công việc

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về hai chữ “Tử tế” ở nghĩa rộng hơn. Đầu tiên là "tử tế" với công việc. Đó là sự nghiêm túc, sự trách nhiệm, sự tận tâm, nỗ lực, cố gắng, ngay ngắn.

Thứ hai là "tử tế" đối với các đối tượng quản lý của Bộ, phải có sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ.

Thứ ba là "tử tế" với đối tác hay là "tử tế" với các Bộ, ngành, địa phương như đang hỗ trợ bộ, ngành, địa phương CĐS.

Thứ tư, nếu là những người đứng đầu bộ phận thì "tử tế" với các anh em, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý để mọi người cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro và kể cả chia sẻ lợi ích để mọi người toàn tâm toàn ý với mình từ cơ chế, ý thức và những chuyện khác dù nhỏ.

Và cuối cùng phải "tử tế" với pháp luật. "Chúng ta vẫn phải thượng tôn pháp luật", Phó Thủ tướng nói.

Phổ cập hạ tầng số, phát triển ứng dụng số để phát triển kinh tế số

Trước những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu sâu sắc tư tưởng, chia sẻ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bộ TT&TT sẽ cụ thể hoá các chỉ đạo này vào các kế hoạch hành động trong năm 2024 và sẽ quyết tâm hoàn thành.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển ứng dụng số để phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng cho biết, năm 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là: công nghiệp CNTT-TT, số hoá các Ngành, quản trị số và dữ liệu số; ứng dụng AI, trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất chất lượng cho cán bộ công chức.

Về báo chí, xuất bản và truyền thông, Bộ trưởng cho biết sẽ lấy không gian mạng làm "trận địa" chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan toả năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Với truyền thống Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình và phương châm Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phát và tinh thần nghĩ ngược lại và làm khác đi của thời CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh toàn ngành TT&TT hứa với Phó Thủ tướng sẽ hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 - năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2020 - 2025./.

Nguồn https://ictvietnam.vn/muon-chuyen-doi-so-phai-truyen-cam-hung-sang-tao-co-khi-phai-ep-62413.html