Thứ hai, 18/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 18/11/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ ba, 06/08/2024

Thứ trưởng Phạm Đức Long: Ba lưu ý khi triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã lưu ý các đơn vị thuộc Bộ về triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc và rà soát các công việc trong tháng 8/2024 để không bị “chậm muộn”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị giao ban. Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Huy Dũng.

Không để “chậm, muộn” việc

Chủ trì hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT tháng 7/2024, tổ chức chiều ngày 5/8/2024, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long yêu cầu các đơn vị không được để “chậm, muộn” các công việc thường xuyên trong tháng.

Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị lãnh đạo cấp trưởng các cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT kiểm soát chặt những tri thức đưa vào trợ lý ảo. Ảnh: Thảo Anh

Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý các đơn vị đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết của Bộ về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó cần khẳng định chuyển đổi số (CĐS) giúp cho đất nước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý một số đề án trình Chính phủ như nghị định về tài chính cho VTV, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua năm 2023… để triển khai kiến đúng tiến độ, bám sát, giải trình các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan.

“Các đơn vị cố gắng giải quyết một số việc về thể chế, không để công việc bị “chậm, muộn”’, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng giao Cục CĐS Quốc gia khẩn trương tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề án của Bộ liên quan đến CĐS trình Thủ tướng phê duyệt; Trung tâm Thông tin xây dựng kế hoạch hành động về điều hành hoạt động của Bộ dựa trên dữ liệu, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Về an toàn thông tin, lưu ý bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin.

Về việc thúc đẩy sử dụng dữ liệu, Thứ trưởng chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân vào năm 2020, theo đó, dữ liệu cá nhân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được uỷ quyền mới được sử dụng. Ngoài các dữ liệu cá nhân được bảo vệ theo quy định, các dữ liệu khác được khai thác và lưu thông phục vụ phát triển quốc gia, lĩnh vực được gọi là khai phóng dữ liệu.

Theo Thứ trưởng, các đơn vị liên quan của Bộ cần nghiên cứu văn bản về việc khai phóng dữ liệu.

Ba việc cần lưu ý khi triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã đề nghị lãnh đạo cấp trưởng đơn vị lưu ý về triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại các đơn vị.

Qua theo dõi và trực tiếp đặt câu hỏi cho các trợ lý ảo của một số đơn vị tại Hội nghị, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị về ba nội dung triển khai trợ lý ảo. Đầu tiên là tích cực hỏi và dạy trợ lý ảo.

Đối với các đơn vị có chức năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng lưu ý cần phải rà soát, "dạy" trợ lý ảo hiểu cụ thể về luật, nghị định, thông tư là gì. Nếu không dạy trợ lý ảo hiểu từng loại văn bản trên thì trợ lý ảo sẽ không hiểu và sẽ cho câu trả lời đúng, chính xác mà câu trả lời thường bị trộn lẫn các nội dung của cả ba loại văn bản.

Thứ hai, Thứ trưởng lưu ý cần "dạy" tri thức cho trợ lý ảo. Các tri thức phải được các đơn vị làm "sạch" bởi nếu không chuẩn trợ lý ảo cũng không cho ra câu trả lời đúng.

Thứ ba, các đơn vị cần lập cơ sở dữ liệu (CSDL) của đơn vị mình và khi cần thì vào CSDL lấy ra các dữ liệu sẽ chuẩn xác nhất.

Học hỏi kinh nghiệm và đề xuất phù hợp cho Việt Nam

Tại hội nghị, ông Lê Văn Chung, Vụ Bưu chính đã trình bày tham luận về xây dựng CSDL về thể chế bưu chính của các nước, cập nhật và bố trí dữ liệu theo chủ đề; bà Thẩm Mai Linh, Cục Thông tin cơ sở (TTCS) tham luận về tìm hiểu nền tảng số quốc gia “Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Trung Quốc.

Ông Lê Văn Chung trình bày về xây dựng CSDL về thể chế bưu chính của các nước, cập nhật và bố trí dữ liệu theo chủ đề.

Theo ông Lê Văn Chung, Vụ Bưu chính lựa chọn các chủ để về thể chế bưu chính để tổng hợp, gồm: (1) Tổng hợp quy định về bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh châu Âu (EU) và Luật Bưu chính của 10 quốc gia nêu trên; (2) Thông tin về Cơ quan quản lý bưu chính; các thống kê về lĩnh vực bưu chính các nước. (4) Các quy định về chất lượng dịch vụ bưu chính; (5) Các quy định về dịch vụ bưu chính công ích của 10 quốc gia; (6) Tổng hợp pháp luật về thương mại điện tử của UPU, EU, Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Ông Lê Văn Chung cho biết, bên cạnh tự khai thác, sử dụng thì Vụ Bưu chính cũng chia sẻ các tài liệu này cho 63 Sở TT&TT, các doanh nghiệp (DN) bưu chính qua nền tảng Viber, Zalo… và hiện cũng nhận được những phản hồi rất tích cực từ các Sở cũng như các DN bưu chính về nội dung này.

Trong thời gian tới, Vụ Bưu chính sẽ tiếp tục cập nhật, làm giàu dữ liệu, phục vụ công tác xây dựng cơ chế, chính sách về bưu chính, mà trực tiếp là xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội giai đoạn 2025 - 2026.

Bà Thẩm Mai Linh đề xuất nghiên cứu, phát triển 1 nền tảng số quốc gia của Việt Nam về phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Trong khi đó, bà Thẩm Mai Linh cho biết ý tưởng thành lập nền tảng số quốc gia “Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Trung Quốc được đưa ra tại Hội nghị Quốc vụ viện Trung Quốc với mục đích nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao do Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Trung Quốc chủ trì xây dựng. Ngày 1/2/2021, nền tảng này chính thức đưa vào hoạt động và được tích hợp, liên kết với các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như Wechat video, Sina weibo, TikTok…

Trên cơ sở tham khảo những tính năng cơ bản của nền tảng số quốc gia “Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Trung Quốc, Cục TTCS đề xuất Lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo, định hướng cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, phát triển 1 nền tảng số quốc gia của Việt Nam về phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá cao các tham luận, đề xuất của hai đơn vị và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và từ đó có thể đưa ra những đề xuất khả thi cho Việt Nam.

Nỗ lực ban hành các kế hoạch, hướng dẫn

Theo Bộ TT&TT, trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 2.414.666 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 56,9% so với kế hoạch năm (4.245.382 tỷ đồng). Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 175.615 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 60% so với kế hoạch năm (290.745 tỷ đồng).

Trong tháng 7/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), theo đó Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số với số tiền hơn 2.581 tỷ đồng; Phê duyệt mức thu cơ sở đối với các băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz, băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz, băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz.

Cũng trong tháng 7, Bộ đã ban hành: (1) Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025; (2) Hướng dẫn bảo đảm ATTT mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý cấp bộ, tỉnh; (3) Hướng dẫn Khung chương trình, tài liệu và bài giảng mẫu phục vụ phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn (phiên bản 1.0); (4) Hướng dẫn yêu cầu cơ bản và phương pháp đánh giá Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo Việt Nam (Phiên bản 1.0); (5) Thiết kế mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước giai đoạn 2024-2030.

Bộ TT&TT đã ông bố: (1) Danh sách nền tảng số do các bộ, ngành triển khai trên toàn quốc để địa phương khai thác, tránh triển khai trùng lặp; (2) Chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; (3) Số liệu tốc độ truy nhập băng rộng của các doanh nghiệp đến tận quận/huyện, xã/phường; Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai tích hợp Cổng eSing vào các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Phát động chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024.

Trong tháng 7, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông (lần 3); (2) Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; (3) Đề án “Khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia”; (4) Quyết định phê duyệt Đề án nâng cao năng lực, hiệu quả truyền thông thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (lần 3); (5) Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050./.

Nguồn https://vietnamnet.vn/giai-quyet-3-van-de-trong-huan-luyen-tro-ly-ao-dien-hep-cac-linh-vuc-tt-tt-2308918.html