Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ tư, 10/10/2018

3 nội dung vi phạm bản quyền truyền hình phổ biến nhất

3 nội dung vi phạm bản quyền phổ biến là các giải thể thao, các bộ phim và chương trình ca nhạc. Nhiều nhất vẫn là vi phạm về các giải thể thao lớn, như World Cup hay Asiad vừa qua.

Các giải thể thao, các bộ phim và chương trình ca nhạc chính là những nội dung bị vi phạm bản quyền truyền hình nhiều nhất. Chẳng hạn, với bộ phim đang thu hút nhiều quan tâm hiện nay là “Diên hi công lược”, hồi tháng 8, các đơn vị phát sóng phim Diên Hi công lược chính thức ở Việt Nam chỉ mới phát sóng đến tập 36 và họ cũng đưa ra thông báo sẽ tạm ngưng phát sóng các tập mới cho đến ngày 4/9, để đồng bộ lịch phát sóng với bản lồng tiếng trên truyền hình.

Tuy nhiên, từ đêm ngày 14/8, hàng loạt trang phim lậu tại Việt Nam đã đăng tải trái phép hơn 20 tập phim mới của "Diên Hi công lược" bản phụ đề, từ tập 37 đến tập 57 với chất lượng tốt.

Trong khi đó, vào ngày 14/8, các tài khoản VIP của Trung Quốc chỉ mới được xem đến tập 48. Đặc biệt, các bản phim lậu này đều có chất lượng tốt và có phụ đề tiếng Việt. Chính vì vậy, khán giả cho rằng những tập phim bị rò rỉ là do sơ sót trong quá trình lưu trữ phim gốc của đơn vị nắm bản quyền phim.

Sáng 17/8, trên trang Youtube chính thức của đơn vị nắm bản quyền gốc của "Diên Hi công lược" tại Việt Nam là TKL đã chính thức gỡ bỏ toàn bộ những tập phim đã phát sóng trước đó.

Bên cạnh đó, đơn vị phát sóng FPT cũng khóa hoàn toàn bộ phim trên trang phim online của mình. Đơn vị này đưa ra thông báo tới khán giả: "Vì tình trạng phát lậu phim 'Diên Hi công lược' ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, FPT Play tạm ngừng phát sóng bộ phim này để đàm phán với đơn vị cung cấp bản quyền". Tuy nhiên, ít giờ sau, đơn vị này đã phát sóng "Diên Hi công lược" trở lại.

Vừa qua, mạng xã hội hdonline.vn cũng bị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử xử phạt 30 triệu đồng về hai hành vi vi phạm: Thực hiện không đúng giấy phép thiết lập mạng xã hội và vi phạm bản quyền phim của hãng TVB (Hồng Kông).

Trong tháng 7/2018, hdonline cũng đã bị hai công ty K+ và BHD tố cáo lên Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử vì hành vi vi phạm bản quyền phim. Cụ thể, hdonline đã vi phạm 4 bộ phim mà K+ giữ độc quyền phát sóng bao gồm: Happiness for sale, Hot Young Bloods, The Con Artists, Memories of the sword. Hdonline vi phạm bản quyền bộ phim Không lối thoát hiểm mà BHD đang giữ bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền phim truyền hình nghiêm trọng đến mức mới đây 3 đơn vị là K+, BHD và Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) đã chính thức có văn bản khiếu nại một loạt các trang web cung cấp phim lậu mà các đơn vị này sở hữu bản quyền công chiếu tại Việt Nam.

Có thể nói vi phạm bản quyền trên Internet diễn ra trong một thời gian khá dài và ở mức đáng báo động. Có nhiều cuộc hội thảo bàn giải pháp chống xâm hại bản quyền trên Internet đã được tổ chức trong mấy năm gần đây. Nhưng trên thực tế các trường hợp vi phạm bị xử phạt không đáng kể, thậm chí rất ít các đơn vị sở hữu quyền lên tiếng khi mà tác phẩm mà họ nắm quyền bị xâm hại.

Trong khi đó, vi phạm bản quyền thể thao đã thể hiện rõ là một vấn nạn, khi thời gian qua nhiều giải đấu lớn đã diễn ra và nhiều website, mạng xã hội đã ngang nhiên tiếp sóng, phát các trận đấu không phép. Hàng trăm website, trang Facebook cá nhân và ứng dụng OTT đã vi phạm bản quyền ASIAD 2018 ngay sau khi VOV/VTC nắm giữ bản quyền phát sóng truyền hình thể thao (THTT) giải đấu này.

Tình trạng nghiêm trọng đến mức VOV/VTC phải phản ứng mạnh bằng cách liệt kê một số website vi phạm gồm cả website có tên miền quốc tế kèm theo công văn đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) xử lí. Cuối tháng 8, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT&TT đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu 7 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, SCTV, VTVcab) phối hợp ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền truyền thông ASIAD 2018. Đến 17h cùng ngày, trước thời điểm trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Syria diễn ra, 7 nhà mạng đã chặn truy cập thành công 18 website vi phạm.

Trong một lần trao đổi, ông Phan Thanh Giản – Giám đốc của ClipTV – cho rằng, ở nhiều nước tiên tiến, giải pháp xử lí tình trạng bản quyền triệt để nhất chính là ràng buộc trách nhiệm đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet trong việc chặn các website vi phạm. Và đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng biện pháp mạnh tay và triệt để mà không ít quốc gia đã triển khai.

abei.gov.vn