Chủ nhật, 05/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Chủ nhật, 05/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ năm, 13/04/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu

Theo quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng internet (OTT TV) sẽ được tham gia vào hoạt động biên tập nội dung theo yêu cầu (VOD) cung cấp trên dịch vụ của doanh nghiệp đối với loại chương trình thể thao, giải trí .
 
Cụ thể, tại điểm c, Khoản 11, Điều 1, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (bổ sung Điều 20 a, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP) quy định: Đối với chương trình thể thao, giải trí, phải được biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Đơn vị cung cấp dịch vụ căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan để thực hiện hoạt động biên tập, phân loại.
 
Để hướng dẫn quy định nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình (Thông tư).
 
Dự thảo Thông tư được bố cục thành 6 Điều, cụ thể: 1 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); 1 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện (Điều 5); 1 điều quy định về hiệu lực thi hành (Điều 6); 3 điều hướng dẫn về nội dung (Điều 2, 3, 4). Theo đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn các nguyên tắc biên tập đối với tất cả các chương trình thể thao, giải trí; các nguyên tắc biên tập, phân loại đối với chương trình giải trí (chương trình thể thao không phải thực hiện phân loại); các nguyên tắc cảnh báo; các nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại, cảnh báo và nguyên tắc quản lý nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu đã được biên tập, phân loại, cảnh báo.
 
Về nguyên tắc biên tập, dự thảo Thông tư đã quy định một số nguyên tắc chung về việc biên tập các chương trình thể thao, giải trí; một số nguyên tắc cụ thể khi thực hiện biên tập đối với các chương trình ghi âm/ghi hình để phát sau, đối với các chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện và các chương trình thể thao, giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến.
 
Về nguyên tắc phân loại, dự thảo Thông tư đưa ra các mức phân loại chương trình giải trí theo các mức độ từ phổ biến đến không được phép phổ biến và theo mức độ tuổi của khán, thính giả (P, K, T13, T16, T18, C) và quy định các nguyên tắc chung khi thực hiện phân loại, hướng dẫn căn cứ để các đơn vị thực hiện việc phân loại chương trình giải trí (về chủ đề, nội dung, về bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước). Dự thảo Thông tư có kèm theo Phụ lục danh mục về các mức phân loại để các đơn vị có cơ sở tham chiếu xây dựng, ban hành Cẩm nang biên tập hoặc Bộ quy tắc biên tập áp dụng tại đơn vị.
 
Về nguyên tắc cảnh báo, dự thảo Thông tư quy định phải thực hiện cảnh báo đối với các chương trình giải trí có mức phân loại từ K đến T18 và các chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật; Phải có nội dung cảnh báo trong các chương trình giải trí là các chương trình truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật, các chương trình truyền hình có nội dung thi tài, biểu diễn về những hành động mạo hiểm, nguy hiểm, có nguy cơ gây thương tích, các chương trình truyền hình giả tưởng, dàn dựng lại từ vụ việc có thật thực tế để người xem không bắt chước, học theo.
 
Dự thảo Thông tư cũng quy định các nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại và cảnh báo; nguyên tắc quản lý nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu đã được biên tập, phân loại, cảnh báo.
 
Hiện dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trang Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Thông tư và đóng góp ý kiến.       
(https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-thong-tu-huong-dan-nguyen-tac-bien-tap-phan-loai-va-canh-bao-noi-dung-phat-thanh-truyen-5484) 
(https://mic.gov.vn/Pages/DuThaoVanBan/XemYKienDongGop.aspx?iDDTVB_DuThaoVanBan=2149&replyUrl=/pages/duthaovanban/danhsachduthaovanban.aspx). 
 
Thời hạn lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sẽ kéo dài đến ngày 27/4/2023. Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Thông tư này vào cuối tháng 6/2023. Dự kiến sau khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực thi hành, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung VOD là các chương trình thể thao, giải trí, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh./.

BBT