Thứ năm, 09/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 09/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 22/04/2022

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về quản lý kinh tế trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình

Sáng ngày 15/4, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về quản lý kinh tế trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 72 Đài, đơn vị hoạt động phát thanh, truyền hình (Đài PTTH) trên cả nước và các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ TTTT.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các Đài PTTH đã đạt được trong năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Hội nghị lần này nhằm triển khai, hướng dẫn thực hiện một số cơ chế, chính sách của nhà nước liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất nội dung và quản lý kinh tế của các Đài PTTH.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Đổi mới PTTH truyền thống là yêu cầu bức thiết trong xu thế mới

Đánh giá tổng quan về sự phát triển của lĩnh vực PTTH trong thời gian qua, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT đã có báo cáo chuyên đề Quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình. Theo ông Lưu Đình Phúc, các Đài PTTH đang từng bước tăng cường tự sản xuất, tăng thời lượng phát sóng nhằm đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả ở mọi lứa tuổi, ở khắp các vùng miền. Theo số liệu tổng hợp, hiện nay thời lượng phát sóng của truyền hình là 4.115 giờ/ ngày, trong đó có 776 giờ tự sản xuất phát mới và thời lượng phát sóng của phát thanh là 1.328 giờ/ngày, trong đó có 565 giờ tự sản xuất phát mới.

Về hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất chương trình, ông Lưu Đình Phúc thông tin, trong số các kênh chương trình phát thanh, truyền hình của 72 đơn vị, có 3/79 kênh phát thanh thực hiện liên kết toàn bộ kênh, bao gồm các kênh về sức khỏe, y tế, giải trí; có 43/198 kênh truyền hình thực hiện liên kết toàn bộ kênh, bao gồm các kênh về giải trí tổng hợp, phim truyện, bán hàng trên truyền hình, thiếu nhi. Đối với chương trình liên kết trên kênh: có 2.484 chương trình thực hiện liên kết, tương đương 23.507 giờ/ năm. Các hoạt động liên kết này tập trung ở các Đài PTTH như: VTV, VOV, Vĩnh Long, TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Bình Phước… Ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, các Đài PTTH cần nâng cao trách nhiệm quản lý của mình trong việc sản xuất, phát sóng các kênh liên kết, chương trình liên kết. Tất cả những thông tin phát sóng phải được kiểm duyệt chặt chẽ, không để lọt các nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT báo cáo tổng quan về hoạt động sản xuất nội dung của các Đài PTTH

Về quy mô kinh tế của các Đài PTTH, năm 2021, tổng doanh thu của các Đài PTTH ước đạt 9.400 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nguồn thu từ Ngân sách nhà nước cấp, đặt hàng cho các Đài khoảng 2.600 tỷ đồng và doanh thu quảng cáo toàn ngành thu 6.780 tỷ đồng.

Đối với truyền hình trả tiền, năm 2021 có 39 doanh nghiệp tham gia với doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể nói, ngành phát thanh, truyền hình truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với truyền hình trên Internet OTT TV và các mạng xã hội. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các Đài PTTH, đó là phải đổi mới. Trong thời gian tới, lĩnh vực phát thanh, truyền hình sẽ hướng đến phân phối đa nền tảng, phát triển đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp sản xuất nội dung phát thanh, truyền hình.

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là vấn đề cấp bách đối với các đài PTTH

Cũng tại Hội nghị, đại diện các Đài PTTH được nghe phần trình bày của ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính liên quan đến các chuyên đề về quản lý kinh tế trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, bao gồm: cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong thời gian qua của các cơ quan báo nói, báo hình và những vấn đề cần quan tâm khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực báo nói - báo hình; định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất chương trình PTTH; xây dựng phương án giá sản xuất chương trình PTTH, tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ PTTH.

Các Đài PTTH dành sự quan tâm lớn đến vấn đề về quản lý kinh tế

Báo cáo về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của các Đài PTTH, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, các cơ quan báo nói, báo hình đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Qua đó, khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ như: thu quảng cáo, hoạt động liên kết, trao đổi bản quyền, tài trợ sản xuất chương trình, chuyên mục. Kết quả cho thấy, nhiều cơ quan đã tự đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, có những cơ quan tự đảm bảo nhu cầu chi đầu tư và chi thường xuyên. Từ đó, cải thiện đời sống cho cán bộ, phóng viên, đồng thời tăng tích lũy cho đơn vị và đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.

Về các vấn đề cần quan tâm khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, ông Nguyễn Ngọc Hải đã làm rõ những quy định mới của Nghị định như: phương thức cấp phát kinh phí ngân sách nhà nước cho việc sản xuất, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; phân loại đơn vị sự nghiệp theo mức độ tự chủ tài chính; quyền tự chủ trong hoạt động tài chính, liên doanh, liên kết, tổ chức hạch toán, phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, góp phần giúp các đơn vị vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phấn đấu tăng cường mức độ tự chủ tài chính.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cũng lưu ý bên cạnh việc nắm bắt các nội dung được hướng dẫn trong 05 chuyên đề về quản lý kinh tế, mỗi cơ quan báo nói, báo hình cần rà soát tình hình tổ chức, hoạt động tài chính của đơn vị mình để đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp phù hợp trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.

Cần có thêm nhiều hội nghị tập huấn về quản lý kinh tế cho các Đài PTTH

Theo ý kiến của một số Đài PTTH, hiện nay các Đài vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Là đơn vị thực hiện cơ chế đặt hàng sản xuất 100% trên kênh phát thanh và 80% trên kênh truyền hình giai đoạn 2020-2022, Đài PTTH Lào Cai đã chia sẻ một số khó khăn trong quá trình thực hiện đặt hàng như: các bộ định mức và đơn giá chưa bao phủ hết các thể loại và khung thời lượng chương trình, một số thể loại, khung thời lượng phải tính toán theo phương pháp nội suy và phải thường xuyên bổ sung thêm quy định; định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ sản xuất các sản phẩm truyền thông đa nền tảng được tính toán trên cơ sở khảo sát thực tế sản xuất và phát sóng chương trình của Đài PTTH tỉnh, được ban hành dựa trên tính thiết yếu của hoạt động này, chưa có cơ sở quy định từ Trung ương; nhiều tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, vật kiến trúc, các trường quay lớn, xe truyền hình lưu động chưa được tính hao phí để phân bổ vào đơn giá...

Chính vì vậy, các Đài PTTH nhận định rằng, việc tổ chức hội nghị tập huấn về quản lý kinh tế là vô cùng cần thiết. Những kiến thức được các diễn giả cung cấp trong hội nghị có ý nghĩa quan trọng, giúp các Đài hiểu rõ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trong lĩnh vực báo nói, báo hình theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các phương pháp đề xuất phương án giá sản xuất chương trình PTTH; trình tự thủ tục triển khai đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Các Đài PTTH bày tỏ mong muốn được tham gia thêm nhiều lớp tập huấn về quản lý kinh tế trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình để có thêm nhiều kiến thức hữu ích, từ đó từng bước đổi mới, phát triển nội dung, nâng cao năng lực tài chính của Đài.

BBT