Thứ bảy, 27/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 27/04/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ bảy, 25/03/2017

Các đài truyền hình cần tăng cường sản xuất nội dung thuần Việt

Các đài truyền hình cần tăng cường sản xuất nội dung thuần Việt

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017 và tổng kết phong trào thi đua năm 2016 lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Hà Nội vào sáng ngày 22/3/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã yêu cầu các đài phát thanh truyền hình cần tăng cường sản xuất các nội dung thuần Việt. Nếu không tự đổi mới sẽ bị tụt hậu rất xa so với mạng xã hội.

Để làm được như thế, Bộ trưởng cho rằng các đài phát thanh truyền hình phải xây dựng kế hoạch đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, phải đổi mới để nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất với các Đài PT-TH hiện nay là nguồn nhân sự vừa thừa vừa thiếu, không bắt kịp với xu thế phát triển. Sản xuất chương trình truyền hình là một quá trình sáng tạo rất công phu, đòi hỏi sự tinh thông, chuyên sâu trong lĩnh vực nghề nghiệp rất đặc thù. Đội ngũ nhân sự chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất chương trình rất đa dạng, từ phóng viên, biên tập viên, diễn viên, đạo diễn, quay phim, phụ trách âm thanh ánh sáng và cả những chuyên gia kỹ thuật trình độ cao. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo các chức danh chuyên môn trong lĩnh vực này rất hạn chế, cụ thể như chức danh đạo diễn và quay phim, cả nước chỉ có 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM với số lượng học viên khiêm tốn.

Chất lượng phim Việt trên sóng truyền hình không như mong đợi, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là ở khâu kịch bản, nhiều năm qua chúng ta không có trường đào tạo nghề biên kịch mà chủ yếu là tự phát. Do đó, có thể nói nhân sự làm truyền hình của nước ta bị hụt hẫng ở nhiều khâu quan trọng dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất chương trình.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, một trong những hạn chế tồn tại của lĩnh vực PT-TH trong năm 2016 là vẫn xảy ra vi phạm trong nội dung thông tin trên các kênh chương trình như: thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức. Ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên là năng lực sản xuất chương trình của các Đài chưa đủ mạnh, từ nhân sự, kinh phí đến cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật, trong đó trọng tâm vẫn là vấn đề nhân sự.

Muốn hình thành một ngành công nghiệp sản xuất nội dung thì đòi hỏi phải có một lực lượng sản xuất ở trình độ cao, chuyên nghiệp và hiện đại. Muốn vậy nhà nước cần có quy hoạch, chiến lược đào tạo về nguồn nhân lực cho lĩnh vực truyền hình, đảm bảo đào tạo bài bản, đầy đủ các chức danh nghề nghiệp đặc thù. Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, từ đó tạo điều kiện cho các Đài đào tạo nhân sự và hợp tác sản xuất chương trình với các nước tiên tiến để nắm bắt xu thế phát triển của truyền thông thế giới.