Thứ năm, 02/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 02/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ bảy, 14/10/2023

Hàng tỷ lượt truy cập web phim, thể thao lậu tại Việt Nam trong năm 2022-2023

Những con số "khủng" về tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số là vấn đề rất đáng lưu tâm để nền công nghiệp truyền hình hướng tới phát triển, lành mạnh.

Hội thảo giao ban công tác quản lý với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình năm 2023, do Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) tổ chức, vừa diễn ra vào ngày 13/10 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), thị trường dịch vụ truyền hình, phát thanh trả tiền trong nước tiếp tục phát triển ổn định với hơn 35 doanh nghiệp tham gia thị trường, mức doanh thu đạt khoảng 10000 tỷ đồng.

Để hoạt động hiệu quả và hợp pháp, Bộ TTTT cũng lưu ý các doanh nghiệp phải quản lý chặt vốn đầu tư, đảm bảo duy trì đúng tỷ lệ vốn Việt Nam, có sự phối kết hợp trong việc bảo vệ bản quyền, kiểm soát nội dung trên không gian mạng, đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát hoạt động trên thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến tham luận chất lượng liên quan đến thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam vốn đã và đang nổi cộm.

Bà Phạm Thanh Thủy – đại diện tham luận của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+) cho biết những con số đáng báo động về thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường Internet tại Việt Nam. Cụ thể, có hơn 200 web thể thao lậu, với 1.5 tỷ lượt truy cập trong năm 2022 và 2023; 200 web phim lậu với hàng trăm triệu lượt xem mỗi tháng. Theo ước tính, các web xem nội dung lậu làm thất thoát của các doanh nghiệp số tiền đến 348 triệu USD, chiếm khoảng 18% doanh thu toàn ngành công nghiệp truyền thông trong năm 2022.

Trong khi đó, công tác ngăn chặn vi phạm bản quyền gặp nhiều khó khăn khi các trang lậu có hoạt động phức tạp, ẩn giấu thông tin, thay đổi tên miền khi bị chặn… đó là còn chưa kể đến việc trên các trang này còn hiện nhiều quảng cáo cá độ, gắn link dẫn sang trang web khác giả mạo, đe dọa bảo mật… (Theo thống kê, 75% web bóng đá lậu gắn quảng cáo độc hại và 97% các hiển thị quảng cáo này chứa nội dung độc hại như cá độ, virus, nội dung người lớn hay lừa đảo).

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Tô Nam Phương - đại diện công ty FPT Play cho biết thêm, 1 trận đấu bóng đá trên kênh truyền hình có bản quyền của FPT có lượt xem chỉ bằng 1/4-1/5 so với web lậu, điều này gây thất thoát đáng kể cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định việc bảo vệ bản quyền mạnh mẽ cần phải được chú trọng, góp phần giúp phát triển lành mạnh ngành công nghiệp truyền hình, từ đó, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.

Đại diện K+ đưa ra đề xuất lập một tổ chuyên trách "phản ứng nhanh" về việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số, chịu sự quản lý của Bộ TTTT, có sự phối hợp giữa Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, cùng với đó là các nhà mạng, các đơn vị truyền hình.

Nguồn https://vtv.vn/xa-hoi/hang-ty-luot-truy-cap-web-phim-the-thao-lau-tai-viet-nam-trong-nam-2022-2023-20231014013053193.htm