Thứ năm, 09/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 09/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ hai, 22/08/2022

Hiện trạng và tiềm năng tăng trưởng thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam

 

Đến hết năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam vẫn duy trì được mức doanh thu, thuê bao tăng nhẹ so với cuối năm 2020, đạt trên 9000 tỷ đồng doanh thu với hơn 16,6 triệu thuê bao. Hiện nay, theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý, đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt, doanh thu đối với dịch vụ OTT TV tăng trưởng đáng kể đạt xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam, như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI,…Đặc điểm chung về dịch vụ của các doanh nghiệp này là nội dung trên dịch vụ không có kênh chương trình, chỉ có nội dung theo yêu cầu (VOD), chủ yếu là các thể loại phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyền hình, ngoài ra cũng có các chương trình chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình (gameshows,…). Một số dịch vụ loại này đã bị phát hiện có nội dung vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh…, ví dụ như trong các năm 2020, 2021 trên dịch vụ Netflix có nhiều nội dung vi phạm về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, về tuyên truyền lối sống dâm ô, đồi trụy không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Phố cổ Hội An được chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc (Fuling, China) - Ảnh: Phim Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary) – Netflix.

Để giảm tối thiểu tác động tiêu cực từ các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp đồng bộ từ xây dựng bổ sung quy định pháp luật; theo dõi giám sát; phối hợp các Bộ, ngành; liên tục cảnh báo nhắc nhở, chấn chỉnh và triển khai ngăn chặn phổ biến đến công dân Việt Nam. Một số kết quả bước đầu cho thấy, các dịch vụ nước ngoài mặc dù chưa hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, tuy nhiên đã phải chấp hành các biện pháp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Thời gian tới, một số văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành giúp tăng cường quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ OTT TV nói chung và dịch vụ phổ biến phim điện ảnh trên không gian mạng nói riêng. Như vậy, dự kiến từ năm 2023, các quy định mới sẽ cho phép xử lý tốt các bất cập hiện nay, buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV của nước ngoài phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước.

Ngày 15/06/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh, bổ sung quy định về quản lý phim trên không gian mạng. Tiếp theo, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP sẽ được Chính phủ ban hành, quy định rõ dịch vụ OTT TV bao gồm cả dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, phải chịu sự điều chỉnh và tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Như vậy, sắp tới đây, các quy định quản lý dịch vụ OTT TV sẽ hoàn thiện, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý tốt các dịch vụ OTT TV tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các quy định mới sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển và các doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp làm tăng quy mô thị trường, cung cấp nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí trên truyền hình ngày cảng phong phú của người dân cả nước.

BBT