Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 26/10/2018

Làm thế nào để người dân không xem một sản phẩm vi phạm bản quyền?

Người dân Việt Nam rất quan tâm đến các chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình có tính chất giải trí, từ trước cho đến bây giờ và một vài năm trở lại đây là trên internet, mạng xã hội.

Có thể nói, ở Việt Nam đã hình thành một thói quen, người dân được tiếp cận với tất cả sản phẩm truyền hình có giá trị lớn trong và ngoài nước,  hoặc sẽ được xem miễn phí,  xem một chút quảng cáo hoặc nếu có trả tiền thì cũng không trả nhiều. Không phải do người dân  mà chuyện tại sao giá thuê bao của truyền hình Việt Nam thấp như thế lại là câu chuyện rất dài. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là tạo cho xã hội nói chung có tâm lí  những thứ xã hội quan tâm thì buộc phải xuất hiện trên sóng truyền hình. Vì vậy, sức ép, sự kì vọng của xã hội lên các hệ thống truyền hình miễn phí và trả tiền là rất lớn. Sức ép mỗi khi phục vụ khán giả chưa tốt như kì vọng của mọi người cũng là rất lớn.

Chính vì tâm lý, thói quen được tiếp nhận mọi thông tin dù là với hình thức  miễn phí hay trả tiền, nên tình trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay đang khá nóng. Trong một chương trình bàn tròn trực tuyến với báo Điện tử Vietnamnet, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng: “Nhận định một cách ngắn gọn về thực trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam, bản quyền các chương trình truyền hình và các chương trình sáng tạo nói chung,  chúng ta có thể tiếp cận trên môi trường số và môi trường mạng hiện nay có hai xu hướng. Một là ngang nhiên, hai là tự nhiên”.

Lý giải điều này, ông Lâm nói rằng về tính chất ngang nhiên vi phạm, nghĩa là người vi phạm, người cung cấp dịch vụ ấy biết vi phạm bản quyền nhưng vẫn làm. Bởi vì có vẻ họ cảm thấy rằng cái này mang lại lợi ích. Thứ hai, chắc là những tiền lệ bị xử phạt thật nặng, thật mạnh chưa nhiều cho nên dẫn đến chuyện ngang nhiên”.

Trong khi đó, xu hướng “vi phạm bản quyền một cách tự nhiên”, là bởi một phần đông số người Việt Nam tiếp cận chương trình trên mạng không biết chương trình ấy vi phạm bản quyền hay không. Nói thật họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu, bởi vì truy cập vào đó, tiếp cận nó nhất là trên internet bây giờ dễ quá, chất lượng cao, xem những phụ đề tiếng Việt, thậm chí là phiên bản độ phân giải cao HD….Đó là chuyện tự nhiên và họ coi đó là một trong những tiện ích mà sống tại Việt Nam họ được hưởng như vậy.

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, để xử lí câu chuyện này có hai mặt của một vấn đề. Thứ nhất, nếu nói về việc cùng bàn với nhau để xã hội nhận thức lại vấn đề này và cũng có một chút gì đó thay đổi thì câu chuyện rất dài. Đã bắt đầu từ những năm trước đây, bây giờ vẫn đang tiếp tục và có lẽ còn tiếp tục một thời gian nữa.

Để nói về việc ý thức xem nội dung bản quyền, ông Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra so sánh với việc “khuyến khích người dân Hà Nội không ăn thịt chó”. Ông Lâm nói: “Chúng ta cũng thấy việc so sánh như thế là khập khiễng nhưng tôi cũng nêu lên. Đó là, thành phố Hà Nội chắc chắn muốn làm điều tốt khi đưa ra một ý tưởng, một quan điểm là sẽ có một lộ trình để khuyến khích người dân thủ đô không ăn thịt chó và sẽ hạn chế việc buôn bán thịt chó. Chúng ta thấy việc tranh luận trên mạng như thế nào rồi. Vậy câu chuyện để cho người dân không xem một sản phẩm mà họ biết rằng vi phạm bản quyền là một câu chuyện không phải dễ làm, cần rất nhiều thời gian”.

Ngoài ra, nói về vấn đề pháp lý. Ở Việt Nam, về trách nhiệm quản lí nhà nước trong lĩnh vực này bây giờ giao như sau, lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, lĩnh vực bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn việc vi phạm về việc sở hữu trí tuệ và về bản quyền trên hạ tầng thông tin truyền thông. Có thể là trên báo, đài, internet.

Giải pháp ngăn chặn thói quen xem nội dung vi phạm bản quyền cũng là câu chuyện dài. Thời gian gần đây, bước đầu có những kết quả. Các đơn vị cung cấp dịch vụ và những hạ tầng viễn thông hiện nay khi có yêu cầu từ cơ quan quản lí nhà nước là phải ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền mà đã có bằng chứng rõ ràng thì nói chung, các đơn vị đã vào cuộc ngăn chặn tương đối hiệu quả.

Chẳng hạn, trong các giải thể thao bóng đá lớn vừa qua, khi xuất hiện tình trạng vi phạm trên mạng lúc đầu có thể xuất hiện 1,2,3 ngày, nhưng sau đó gần như các nhà mạng viễn thông, các đơn vị có quyền, chức năng tham gia chặn hạ những đường link đó, và kết quả rất tốt.

abei.gov.vn