Thứ ba, 21/01/2025 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 21/01/2025 Phát thanh, truyền hình

Thứ sáu, 27/09/2024

Nguồn thu báo chí sẽ tăng lên khi xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật

Bộ TT&TT ban hành Thông tư 05 nhằm trao quyền tối đa cho các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí để tự xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật.

Chiều ngày 27/9, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư 05/2024/TT-BTTTT (Thông tư 05) ngày 14/6/2024, hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì, được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện khối các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Hội nghị phổ biến Thông tư 05 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn thanh Lâm cho biết: Tinh thần, mục đích của Thông tư 05 là trao quyền tối đa cho các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương và các cấp ngành có liên quan để tự xây dựng, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, có sự hiểu nhầm của nhiều cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí rằng, định mức kinh tế kỹ thuật có nghĩa là giá và đánh đồng khó khăn trong quá trình xây dựng và thẩm định giá với vấn đề xây dựng và phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật. 

“Định mức kinh tế kỹ thuật là một câu chuyện, còn xây dựng phương án giá, thẩm định giá là một quy trình khác, tuân theo những quy định pháp luật khác”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Hương Giang

Theo ông Trần Như Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ TT&TT), Thông tư 05 cung cấp cơ sở lý luận, phương pháp, trình tự thống nhất trong việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ sự nghiệp công, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Thông tư này cũng được dùng làm cơ sở cho các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo trách nhiệm và thẩm quyền.

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nhằm mục tiêu làm cơ sở xây dựng giá, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí và đáp ứng điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay, trước đây hoạt động của cơ quan báo chí nói chung và các đài phát thanh truyền hình nói riêng thường giao dự toán trên cơ sở các văn bản hướng dẫn về chi nhuận bút và số liệu quyết toán của năm trước liền kề. 

Giao dự toán trở thành truyền thống theo nhiều năm. Khi có chính sách đặt hàng của Nhà nước, các đơn vị cần xây dựng dự toán từ đơn giá, thể loại tác phẩm theo định mức kinh tế kỹ thuật và các chi phí khác. 

Theo thống kê của Cục PTTH&TTĐT, trong 5-6 năm qua, có 22 địa phương trên tổng số 63 tỉnh, thành phố đã có định mức và đơn giá cho các đài thực hiện, 16 tỉnh chỉ có định mức, không có đơn giá và 25 tỉnh chưa có cả định mức và đơn giá. Với khối Trung ương, chỉ có Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá. 

Cục PTTH&TTĐT đánh giá, việc triển khai đặt hàng trong thời gian qua có nhiều điểm mới, gây lúng túng cả với cơ quan chủ quản các đài nói riêng và cơ quan báo chí nói chung. Các đài ở địa phương thường dùng dự toán cấp phát hàng năm trước đây để làm giới hạn tổng kinh phí đặt hàng. Vì vậy, dù chuyển sang cơ chế đặt hàng, kinh phí của các đài không tăng, vẫn bị giới hạn. Mức tự chủ trong đài cũng không tăng. 

Việc không có đầy đủ các chi phí trong đơn giá dẫn đến đơn giá thấp. Để đạt tổng kinh phí hoạt động như trước đây đã được cấp phát, các đài truyền hình phải tăng sản xuất số lượng tác phẩm để bù vào. Người lao động phải làm nhiều hơn để giữ được lương và thu nhập như trước, nhưng chất lượng tác phẩm lại trở thành vấn đề đáng quan tâm. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hà Yên một lần nữa nhấn mạnh, để tạo sự chủ động cho các cơ quan chủ quản, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 05, nhằm trao quyền để các đơn vị chủ quản, cơ quan báo chí tự chủ hơn khi xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, "may đo" đúng với đặc điểm, đặc thù của cơ quan báo chí.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi. Ảnh: Hương Giang

Lấy ví dụ một số mô hình thành công, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho hay, nhiều địa phương đã ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh mình. 

Năm 2023, tỉnh Lào Cai đã đặt hàng Đài PTTH tỉnh 72,9 tỷ đồng, đến năm 2024, số tiền đặt hàng tăng lên 76,9 tỷ đồng. Với Báo Lào Cai, tỉnh cũng đã đặt hàng với số tiền 20,7 tỷ đồng năm 2023 và 23,6 tỷ đồng năm 2024. Dự kiến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ đặt hàng Đài PTTH tỉnh gần 80 tỷ đồng và đặt hàng Báo Lào Cai 28 tỷ đồng. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, điều này chứng tỏ kinh phí đặt hàng các cơ quan báo chí hàng năm sẽ tăng lên khi chúng ta làm tốt việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, sự ra đời của Thông tư 05 là cơ hội để tăng cường việc đặt hàng, tăng mức độ tự chủ cho các cơ quan báo chí. Sâu xa là vấn đề thúc đẩy kinh tế báo chí, thông qua việc kết nối liên thông để những nơi có nhu cầu truyền thông chính sách có sở cứ để đặt hàng cơ quan báo chí. 

Đây là quyền lợi sát sườn của các cơ quan báo chí. Bộ TT&TT sẽ cân nhắc thành lập tổ công tác, bao gồm cả các Cục quản lý lĩnh vực để nắm bắt, truyền thông và phổ biến tốt hoạt động này, đồng thời có đầu mối cung cấp lại cho các cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí. 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/nguon-thu-bao-chi-se-tang-len-khi-xay-dung-duoc-dinh-muc-kinh-te-ky-thuat-2326631.html