Thứ tư, 08/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ tư, 08/05/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ hai, 10/10/2022

Những quy định về biên tập nội dung theo yêu cầu (VOD) – cơ hội và thử thách đối với các doanh nghiệp OTT TV

 

Theo quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng internet (OTT TV) sẽ được tham gia vào hoạt động biên tập nội dung theo yêu cầu (VOD) cung cấp trên dịch vụ của doanh nghiệp.

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ, tất cả nội dung VOD trước khi cung cấp trên dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình (PTTH) biên tập.

Triển khai thực hiện Nghị định số 06/2016/NĐ-CP trong hơn 6 năm qua, các doanh nghiệp OTT TV đã ký hợp đồng với các Đài PTTH lớn như VTV, Trung tâm Truyền hình Thông tấn (Vnews), Đài PTTH Đồng Nai,… để các cơ quan báo chí này thực hiện biên tập nội dung VOD trước khi cung cấp trên dịch vụ. Nội dung biên tập VOD do các cơ quan báo chí chịu hoàn toàn trách nhiệm, khi có sai phạm xảy ra đối với nội dung đã biên tập, cơ quan báo chí thực hiện biên tập sẽ là đối tượng bị xử lý theo quy định.

Thực tế hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong những năm vừa qua cho thấy, hoạt động biên tập nội dung VOD về cơ bản được các cơ quan báo chí thực hiện tốt; các doanh nghiệp OTT TV cơ bản đều tuân thủ đúng quy định về việc cung cấp nội dung VOD trên dịch vụ.

Tuy nhiên, thực tiễn xuất hiện một số bất cập như: hồ sơ lưu trữ về biên tập VOD của doanh nghiệp không được đầy đủ; doanh nghiệp không chứng minh được các nội dung VOD cung cấp trên dịch vụ đều đã được cơ quan báo chí biên tập; chi phí trả cho hoạt động biên tập làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp; cơ quan báo chí khi thực hiện biên tập còn chưa có cơ chế kiểm soát đối với các chương trình mà cơ quan báo chí thực hiện biên tập, ví dụ như các chương trình trực tiếp theo sự kiện; các phim truyền hình được phát song song với nước sở tại…

Từ những bất cập nảy sinh trên thực tế, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định về biên tập, phân loại đối với một số loại nội dung là các chương trình thể thao, giải trí, phim để giao trách nhiệm cho doanh nghiệp đủ điều kiện được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại VOD cung cấp trên dịch vụ của doanh nghiệp.

Tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD (bổ sung Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP), nội dung VOD được phân thành 03 nhóm để thực hiện biên tập, phân loại. Cụ thể:

- Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ;

- Đối với phim: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

- Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Như vậy, doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, tổng số giờ nội dung VOD được các doanh nghiệp OTT TV của Việt Nam cung cấp trên dịch vụ khoảng hơn100.000 giờ, trong đó phim các loại chiếm đến 60%-70%, còn lại là các chương trình thể thao, giải trí, âm nhạc, trò chơi truyền hình…Một số DN lớn như FPT, Viettel, VNPT, VTVcab… luôn duy trì trên dịch vụ trong khoảng từ 5.000 giờ đến 50.000 giờ VOD/năm/dịch vụ của doanh nghiệp, với thời lượng nội dung VOD mới chiếm khoảng 10%-30%.

Phát thanh, truyền hình, phim ảnh là lĩnh vực thuộc phạm trù về văn hóa, tư tưởng, có tác động lớn vào nhận thức, tâm lý của người nghe, người xem. Vì vậy, với quy định mới tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, khi DN được trao quyền chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại các nội dung thể thao, giải trí, phim, họ sẽ phải chuẩn bị kỹ các điều kiện để thực hiện, đặc biệt là đội ngũ nhân sự có nhận thức pháp luật đầy đủ, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực PTTH, có độ nhạy bén để thực hiện biên tập nội dung VOD đáp ứng yêu cầu của pháp luật.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP quy định mở về yêu cầu biên tập, phân loại nội dung VOD, đồng thời cũng quy định điều khoản ngăn chặn việc phổ biến các nội dung VOD không thực hiện đúng quy định về biên tập, phân loại.

Một ví dụ điển hình gần đây nhất liên quan đến biện pháp mà cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện để ngăn chặn đối với nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng OTT xuyên biên giới, đó là việc Cục PTTH &TTĐT đã có văn bản yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ khỏi dịch vụ cung cấp tại Việt Nam bộ phim Ba chị em (Little Women) của Hàn Quốc do có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí, Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh. Công ty Netflix đã phải chấp hành và gỡ bỏ khỏi dịch vụ bộ phim này kể từ ngày 6/10/2022.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cân nhắc khi lựa chọn cách thức thực hiện đối với hoạt động biên tập, phân loại VOD. Trường hợp doanh nghiệp chưa bảo đảm điều kiện để thực hiện thì nên thông qua cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PTTH biên tập hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện (đối với phim).

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP được xem là một bước tiến mới, một mặt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực về nhân sự được chủ động thực hiện biên tập nội dung VOD, từ đó thuận lợi hơn trong kinh doanh và tiết kiệm được chi phí; mặt khác, cũng tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn nội dung VOD để cung cấp trên dịch vụ. Đồng thời, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là hành lang pháp lý quan trọng để siết chặt hoạt động cung cấp nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV, đặc biệt là các dịch vụ xuyên biên giới, không để những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, những nội dung “bẩn”, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam được phổ biến đến người dân Việt Nam.

BBT