Thứ sáu, 26/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 26/04/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ bảy, 01/09/2018

Truyền hình OTT: lỗ cũng cố đầu tư vì đó là tương lai của truyền hình?

Từ năm 2017 đến nay, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của dịch vụ truyền hình OTT. Các doanh nghiệp OTT truyền hình hầu như không tiết lộ số tiền đầu tư, nhưng nhận định chi phí đầu tư làm nội dung, công nghệ, cơ sở hạ tầng là "rất lớn"...

Có doanh nghiệp hoạt động 5 năm vẫn lỗ hàng triệu USD. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận "đốt tiền" vào cuộc chơi mới này, kỳ vọng những lợi ích bền vững trong dài hạn…

Từ những ông lớn truyền hình như VTV, VTC, K+, SCTV đến các doanh nghiệp nội như FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy hay cả doanh nghiệp ngoại như iFlix, Netflix đều đã tham gia vào cuộc cạnh tranh cung cấp các sản phẩm OTT truyền hình phục vụ người tiêu dùng.

Sau nhiều năm vận hành ứng dụng VTVgo, Đài Truyền hình Việt Nam vừa liên tục cho ra mắt các OTT mới là VTV giải trí, OnMe dành cho nhiều phân khúc người tiêu dùng khác nhau. Ông Hoàng Ngọc Huấn, Chủ tịch TCT Truyền hình Cáp Việt Nam VTVcab, cho biết OnMe của VTVcab đi theo một chiến lược rất khác: không phải là ứng dụng xem truyền hình thông thường, mà là multi-channel networks - một hệ thống đa kênh.

“Tất cả những gì khán giả muốn đều có trên OnMe. Thị trường OTT là của thế hệ tương lai. Nó là xu hướng tất yếu. Nếu không đầu tư sẽ trở thành thụt lùi”, ông Huấn nói.

Thực tế, những năm gần đây, sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như smartphone, smart TV cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet băng thông rộng cũng như kết nối 3G, 4G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của người tiêu dùng. Truyền hình OTT - Truyền hình Internet đang có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ, song song với sự phổ cập của FTTh, 3G, 4G và các thiết bị đầu cuối. Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng Internet hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình.

Trong các hội thảo và nghiên cứu về xu hướng truyền thông, các chuyên gia đều thừa nhận sự “thất sủng” của truyền hình truyền thống trong những năm gần đây, xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt của các “nhà đài”, sự quá tải của các kênh truyền hình trong nước và quốc tế đã khiến người dùng “đau đầu” để lựa chọn giữa một “rừng” các phím kênh, từ số 1 đến … “n+1” của truyền hình Quốc gia, địa phương và Quốc tế.

Mặt khác, sự phát triển của Internet, sự phổ cập của FTTh, 3G, 4G, cùng tiện ích của các thiết bị thông minh đã khiến hành vi của người dùng thay đổi. Một thực tế cho thấy, giới trẻ dần ít xem TV truyền thống hơn, họ tập trung vào các thiết bị có thể truy cập internet, nhỏ gọn và tiện ích, đối tượng xem TV truyền thống chỉ còn đa số là người già, phụ nữ.

Như vậy, phương thức xem truyền hình trên TV truyền thống đang dần được thay thế dần bởi phương thức xem truyền hình trên Internet. Tính tiện ích, nhanh nhạy, cập nhật liên tục, xem mọi lúc mọi nơi được đặt lên hàng đầu.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia hiện nay đều đồng quan điểm cho rằng, đầu tư phát triển OTT - truyền hình trên Internet là xu hướng tất yếu. Giờ đây các nhà cung cấp nội dung giải trí không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nội dung chương trình, mà còn nỗ lực nâng cấp để tạo ra những trải nghiệm mới, tiện ích và phù hợp với nhu cầu ngày càng “khó tính” hơn của khách hàng.

Tại sự kiện Telefilm 2018 vừa qua, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đã trình làng những bộ phim Hollywood đỉnh cao trên dịch vụ VOD được tích hợp công nghệ âm thanh vòm Dolby 5.1 hàng đầu thế giới. Hòa nhập xu hướng truyền hình mới, dịch vụ VOD (Video On Demand) - Xem video theo yêu cầu qua thiết bị đầu thu công nghệ mới Smartbox của SCTV và lập tức trở thành đơn vị tiên phong triển khai dịch vụ VOD trên hệ thống truyền hình sẵn có tại Việt Nam.

abei.gov.vn