Thứ hai, 29/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 29/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 10/12/2018

8 quốc gia yêu cầu CEO Facebook điều trần về thông tin sai lệch trên mạng xã hội

Tính đến nay đã có 8 quốc gia chính thức yêu cầu Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook ra điều trần trước quốc hội về các vấn đề liên quan đến những thông tin sai lệch trên mạng xã hội này.

Mới đây, ba nước bao gồm Brazil, Latvia và Singapore đã yêu cầu Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước quốc hội về thông tin sai lệch trên mạng xã hội Facebook. Trong thư gửi CEO Facebook, các nhà lập pháp từ Brazil, Latvia và Singapore cho biết sẽ cùng các quan chức từ Anh, Canada, Australia, Ireland và Argentina tham dự phiên điều trần chưa có tiền lệ dự kiến diễn ra vào ngày 27/11.

CEO Facebook đã bị cáo buộc trì hoãn, chối bỏ trách nhiệm. Bên cạnh đó, ông bị cũng đặt ra nhiều câu hỏi về những vi phạm dữ liệu người dùng gần đây của Facebook.

Chiến dịch kêu gọi Mark điều trần được tăng tốc sau báo cáo ngày 5/11, trong đó Ủy viên Thông tin Anh kết luận “Facebook… thất bại trong việc giữ an toàn cho thông tin cá nhân vì không kiểm tra ứng dụng và nhà phát triển sử dụng nền tảng phù hợp”.

Với sự tham gia của Brazil, quốc gia có 209 triệu dân, dân số của 8 nước gộp lại cao hơn dân số Mỹ, 389 triệu so với 326 triệu. Đây sẽ là yếu tố gia tăng áp lực lên ngươi đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới. Sự ảnh hưởng đến từ những thông tin sai lệch trên Facebook và ứng dụng nhắn tin WhatsApp là không hề nhỏ. Thậm chí, một số thông tin cho rằng, hai dịch vụ trên đã gây xáo trộn kết quả trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil.

Facebook đang dính líu tới scandal truyền thông “bẩn”. Theo đó, dù là lãnh đạo công ty, COO Sheryl Sandberg cho biết bản thân không hề hay biết về những hoạt động của bộ phận truyền thông. Sheryl Sandberg, COO công ty bị cáo buộc lèo lái dư luận, thực hiện chiến dịch vận động hành lang chống lại những người phê bình trong đợt khủng hoảng Cambridge Analytica vừa qua. Ngoài ra, các chiến dịch khác cũng bị tố mang hơi hướm cực đoan.

CEO Mark Zuckerberg mới đây trong một cuộc họp với các cổ đông, cho biết chi phí bảo mật và an toàn thông tin đối với mạng xã hội sẽ ngày một tăng, đồng thời khẳng định đây là vấn đề "không thể ngăn chặn".

"Khi chúng ta nói tới các vấn đề bảo mật, an toàn thông tin và nội dung, các bạn có lẽ hiểu rằng chúng không phải là những vấn đề có thể giải quyết triệt để, phải không?", CEO Mark Zuckerberg nói. "Đó là những vấn đề mà chúng ta chỉ có thể cố gắng kiểm soát theo thời gian, để giảm và ngăn chặn những hậu quả mà nó gây ra”.

Ở một góc độ khác, Michael Connor, giám đốc điều hành của Open Mic, một tổ chức chuyên trợ giúp các chiến dịch cải thiện quản trị tại một số công ty lớn tại Mỹ, lại cho biết đây có thể là dấu hiệu cho thấy Facebook đã trở nên quá lớn.

"Họ có quyền chi tiêu, nhưng câu hỏi là phải chi bao nhiêu tiền mới đủ, để nền tảng trở nên an toàn", Connor đặt câu hỏi. "Và một trong những mối quan tâm mà nhiều người lo ngại đó là Facebook liệu có quá lớn?"

"Một khi nó chi phối quá nhiều mà không có đối thủ cạnh tranh, những kết quả ngoài mong đợi có thể xảy đến như là hệ quả của sự thống trị đó."

Được biết, chi phí cho hoạt động bảo vệ dữ liệu người dùng và an ninh hệ thống của Facebook trong năm 2017 đã "ngốn" tổng cộng 20,4 tỷ USD. Con số này tiếp tục tăng mạnh vào năm 2018, khi mà tới nay dù mới kết thúc Q3, nhưng số tiền bỏ ra đã xấp xỉ 21,2 tỷ USD. Sang tới năm 2019, Facebook dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng thêm tới 50% chi phí.