Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 07/12/2018

Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp người sử dụng có những hành vi đúng đắn trên mạng xã hội

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) là cơ quan có nhiệm vụ tập trung xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin vi phạm; công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá trang thông tin điện tử theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng, triển khai các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet phù hợp. Bộ quy tắc này sẽ giúp người sử dụng có những hành vi đúng đắn trên mạng xã hội.

Một nhiệm vụ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được yêu cầu tập trung thực hiện là xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tham khảo bài học của nhiều nước với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ quy tắc ứng xử nên dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng pháp luật, minh bạch, lành mạnh và đảm bảo thông tin bảo mật. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần công khai, minh bạch danh tính cá nhân chịu trách nhiệm quản trị đưa thông tin lên mạng xã hội, thực hiện tương tác lành mạnh, bảo mật thông tin.

Cụ thể, cần xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc hoạt động, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng; thực hiện các biện pháp xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng tải bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; phối hợp với các Bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt là báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang Fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đồng thời, phóng viên, nhà báo sử dụng các mạng xã hội để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc. Tuy nhiên mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt là những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc.

Trên thực tế trong thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo. Những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ và với sự ổn định trong xã hội. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như thế nào, cụ thể là gì trong điều kiện hiện nay?

việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Và Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.

Hiện có khoảng 366 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó khoảng 360 mạng xã hội có hoạt động thực tế.

Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số), trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.