Chủ nhật, 28/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Chủ nhật, 28/04/2024 Thông tin điện tử

Chủ nhật, 05/11/2017

Bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

Bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về các tội vu khống, tội làm nhục người khác với mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù”.

Trong bài phỏng vấn hôm 1/11/2017 trên Báo điện tử Infonet, luật sư Thùy Dương - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết “Những người có hành vi sử dụng mạng xã hội để nói xấu, vu khống lãnh đạo cơ quan chức năng hay nói xấu, vu khống bất kỳ cá nhân nào có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm g khoản 3 Điều 66).

Theo luật sư Thùy Dương, tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. BLDS cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.

Luật sư Thùy Dương nhận định: “Người nào tung thông tin bôi nhọ, vu khống xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì người bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại đồng thời còn có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, người bị hại và bất cứ ai cần thu thập chứng cứ và làm đơn tố giác đến cơ quan Công an để kịp thời có biện pháp xử lý, nhằm góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường mạng xã hội”.

Cũng theo luật sư Thùy Dương, tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” (điểm d); “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điểm e).

Ngoài ra, nếu hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì có thể bị truy tố theo các Điều 121 BLHS 1999 – Tội làm nhục người khác; Điều 122 BLHS 1999 – Tội vu khống như đã phân tích bên trên.

Mỗi người dùng internet đều phải có trách nhiệm đối với những phát ngôn của mình trên mạng xã hội, nếu không khi có đủ các dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của con người, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Nhưng trong thời điểm hiện nay cùng với sự phát triển của CNTT, hiện tượng dùng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân đang thực sự đáng lo ngại.