Thứ tư, 08/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ tư, 08/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ năm, 15/11/2018

Chính phủ các nước chặn tin tức giả mạo bằng cách nào

Đức

Đức là một trong số ít quốc gia châu Âu đã ban hành luật ngăn chặn tin giả. Đạo luật NetzDG có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 chú trọng ngăn chặn tin giả kích động hằn thù trên mạng xã hội như bức ảnh kể trên. Theo luật mới, người dùng có quyền xác minh và yêu cầu xóa thông tin vi phạm. Các mạng xã hội buộc phải xóa nội dung vi phạm trong 24 tiếng. Mạng xã hội vi phạm nghĩa vụ xóa và kiểm soát thông tin sẽ bị phạt đến 50 triệu euro.

Mỗi quý, mạng xã hội phải công bố báo cáo xử lý nội dung vi phạm, nếu không sẽ bị phạt đến 50 triệu euro. Luật không buộc xóa mọi bản sao chép của thông tin vi phạm vì quá phức tạp. Nạn nhân của nội dung vi phạm cũng có thể kiện trực tiếp tác giả ra tòa và thẩm phán có quyền yêu cầu công bố danh tính người vi phạm.

Bộ trưởng tư pháp Heiko Maas nhấn mạnh: "Quyền tự do ngôn luận không bảo vệ hành vi vu khống và tin đồn ác ý". Đảng cực hữu AfD và các đảng Xanh, Dân chủ tự do (FDP) và Die Linke đã chỉ trích luật NetzDG vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Chính phủ Đức đã cam kết sẽ xem xét lại đạo luật để tiếp tục điều chỉnh.

Pháp

Tại Pháp, đạo luật năm 1881 về tự do báo chí đã quy định xử phạt đến 45.000 euro đối với hành vi xuất bản, phân phối hay sao chép tin giả. Hiện nay hạ viện đang tiếp tục xem xét dự luật chống tin giả trong thời gian bầu cử. Dự luật quy định cơ quan công tố hay người dùng đều có quyền yêu cầu thẩm phán chấm dứt phát tán tin giả trên mạng, Internet và mạng xã hội phải lập cơ chế để người dùng cảnh báo tin giả.

Papua New Guinea

Papua New Guinea trở thành đất nước đầu tiên chặn Facebook tới một tháng để điều tra vấn nạn tin giả và người dùng giả mạo.

Chính phủ Papua New Guinea vừa ra quyết định sẽ chặn hoàn toàn Facebook trong vòng một tháng. Bộ trưởng Truyền thông của nước này, ông Sam Basil, cho biết khoảng thời gian một tháng là để các cơ quan điều tra, nghiên cứu người dùng và tìm ra cách khắc phục các vấn đề bao gồm tin giả, người dùng giả và lan truyền nội dung khiêu dâm.

Chính phủ Papua New Guinea sẽ nghiên cứu trường hợp của các quốc gia khác để đưa ra giải pháp phù hợp cho Facebook. Có khả năng nước này sẽ tự phát triển một mạng xã hội cho công dân với yêu cầu về danh tính khắt khe hơn.

Anh

Tại Anh vào tháng 5-2017, quốc hội đã đề nghị thiết lập hệ thống xử phạt đối với mạng xã hội không xóa nội dung sai phạm trong kỳ hạn quy định. Đến tháng 1-2018, Chính phủ Anh thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên "Đơn vị truyền thông an ninh quốc gia" làm nhiệm vụ nhận dạng và xử lý tin giả.

Trung Quốc

Trung Quốc cấm mạng xã hội do chính sách kiểm duyệt thông tin hoặc lo ngại về ảnh hưởng trước các cuộc bầu cử.

Italia

Nước Ý giao nhiệm vụ xử lý tin giả cho lực lượng cảnh sát bưu chính. Tháng 1-2018, cảnh sát bưu chính thành lập một trang web riêng để công dân báo tin giả. Tin giả sẽ được Trung tâm quốc gia chống tội phạm tin học xác minh, sau đó cảnh sát bưu chính sẽ công bố cải chính. Nếu tin giả vi phạm pháp luật, hồ sơ sẽ được chuyển sang tòa án. Hiện Quốc hội Ý đang xem xét dự luật về tin giả với mức phạt tù đến hai năm.

Canada

Canada không ban hành đạo luật riêng về tin giả như Đức. Trước đây điều 181 Bộ luật hình sự quy định: người thực hiện hành vi cố ý công bố lời nói, câu chuyện hay tin tức là giả và có bản chất xâm hại lợi ích công cộng sẽ bị phạt tù đến hai năm. Song năm 1992, tòa án tối cao đã phán quyết điều 181 vi hiến. Dự luật sửa đổi Bộ luật hình sự đã hủy bỏ điều khoản này.

Dù vậy, còn nhiều văn bản khác điều chỉnh vấn đề tin giả như các điều luật Bộ luật hình sự, các quy định liên bang, các điều luật của các bang và các quy tắc hành nghề như quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Canada với quy định cấm tin giả truyền bá nội dung kích động hằn thù hay vu khống.

Mỹ

Tại Mỹ, người dân rất bất bình cho rằng Facebook "nhắm mắt làm ngơ" để tin giả xuất hiện tràn lan trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm thu lợi. Ví dụ báo lá cải The National Enquirer từng tung tin bà Hillary Clinton chỉ còn sống sáu tháng do mắc các bệnh ung thư não, xơ vữa động mạch và do rượu.