Chống vi phạm bản quyền trên Internet: cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp
Một biện pháp được đề cập tới nhằm chống vi phạm bản quyền trên Internet là ngăn chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, chặn quảng cáo chỉ là cách giải quyết theo kiểu tình thế, làm cho có chứ không giải quyết được mấu chốt của vấn đề. Bằng chứng là đa số các web lậu vẫn sống mà dân xem phim lậu còn thích thú hơn vì xem phim đã hết bị chèn quảng cáo. Để giải quyết tận gốc phải có biện pháp phạt thật nặng, rút giấy phép, thu hồi tên miền, server...
Về vấn đề đối với các trang phim online có thu phí thuê bao, Cục PTTH&TTĐT đã làm việc với Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn thanh toán tới các dịch vụ bất hợp pháp. Hai bên đã đạt được thỏa thuận ban đầu là sẽ có giải pháp để chặn kênh thanh toán qua ngân hàng để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp, bao gồm rất nhiều dịch vụ vi phạm pháp luật như vi phạm bản quyền và cung cấp các nội dung xuyên biên giới không phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Biện pháp chặn nguồn thu quảng cáo để chống lại nạn vi phạm bản quyền đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện khá hiệu quả. Ví dụ, tại nước Anh, lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập vào tháng 9/2013. Từ tháng 4/2014, 7 thành viên đại diện chính cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung đã liên kết với lực lượng Cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ để đặt mục tiêu ngăn chặn các trang web vi phạm. Cơ quan này lập danh sách các trang web vi phạm và chuyển cho các đơn vị quảng cáo cùng thông tin được cập nhật về các trang web vi phạm bản quyền đã được cơ quan có thẩm quyền hoặc ngành công nghiệp liên quan xác nhận về hành vi vi phạm bản quyền có tính hình sự.
Danh sách này còn để người dùng loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật loại bỏ các trang web vi phạm pháp luật khỏi hoạt động mua bán và thương mại của mình. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của Chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo.
Ngoài ra, không ít ý kiến đề xuất việc thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền. Cụ thể, đối với các trang web vi phạm bản quyền trong nước có thể dùng các biện pháp: Xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tên miền đối với những trang dùng tên miền .vn, chặn tên miền và địa chỉ IP, các IDC trong nước hủy dịch vụ CDN của các trang vi phạm.
Đối với các trang web vi phạm bản quyền ở nước ngoài, biện pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp Việt Nam không quảng cáo trên các trang web này. Biện pháp chặn tên miền, chặn hoặc giới hạn dung lượng đường truyền đến mạng lưu trữ website đó hoặc thông qua số hiệu mạng cũng cần được áp dụng. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức về quyền tác giả quốc tế để yêu cầu các nước sở tại có mạng lưu trữ đặt website vi phạm can thiệp.