Thứ ba, 07/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 07/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 14/11/2018

Cuối năm nay, EU có thể sẽ đánh thuế “kỹ thuật số” nhắm vào Facebook, Google

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ thông qua thỏa thuận thuế mới, đánh vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số như Facebook, Google vào cuối  năm 2018 này.

Hiện nay, nhiều nước EU cho rằng, khung pháp lý hiện nay “ưu ái” các doanh nghiệp kỹ thuật số hơn các doanh nghiệp truyền thống và khiến các quốc gia mất nguồn thu thuế quan trọng. Thỏa thuận thuế mới nhiều khả năng sẽ được thông qua vào cuối năm 2018. Theo Bộ trưởng Tài chính Áo Hartwig Loger, các nước EU muốn sớm kết thúc vấn đề này. Ông cho biết các bộ trưởng đã cùng thống nhất sẽ tiếp tục làm việc tích cực trong những tháng tới với mục tiêu đạt được một quyết định vào cuối năm nay.

Câu chuyện đánh thuế đối với các hãng công nghệ lớn từ lâu đã là chủ đề nóng trên bàn nghị sự của các nước thành viên EU. Điều này xuất phát từ thực tế các ông lớn công nghệ dù có doanh thu cao nhưng thường sử dụng những thủ pháp sắp xếp tài khóa tinh vi, nhằm chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp trong EU, như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg, mặc dù những khoản tiền này thực chất thu được từ hoạt động tại một nước khác.

Thuế sẽ đánh vào thu nhập từ quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số (ví dụ đối với Facebook), hay vào các loại phí thu được từ người dùng (ví dụ người mua ứng dụng của Apple) và từ việc bán dữ liệu sinh ra từ thông tin do người dùng cung cấp (ví dụ các công ty nghiên cứu thị trường). Tại thời điểm đó, giới chức châu Âu cho biết có khoảng 120 đến 150 “đại gia” internet nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng của đề xuất thuế nói trên, vốn được dự đoán sẽ mang về thêm khoảng 5 tỷ euro nguồn thu từ thuế mỗi năm.

Ngày 23/10 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire một lần nữa nỗ lực thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) thông qua trước cuối năm nay dự luật về đánh thuế các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Google, Apple, Facebook và Amazon (GAFA).

Trình bày trước Nghị viện châu Âu dự luật GAFA mà Pháp là nước khởi xướng, ông Le Maire lập luận rằng cần phải gửi đi một “tín hiệu chính trị đặc biệt và nhanh chóng” đối với các cử tri khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2019).

Trong lĩnh vực thuế, EU cần sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. Vì vậy, EU phải chứng tỏ là họ có thể đạt được thỏa thuận đối với các vấn đề liên quan tới các cử tri, như vấn đề công bằng về thuế.

Trước đó vào ngày 24/5 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tuyên bố rằng Pháp “sẽ chiến đấu đến cùng để đánh thuế GAFA.”

Tuy nhiên, đề nghị của Pháp vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều nước EU. Áo đã đứng về phía Pháp để ủng hộ dự luật, các nước Trung Âu và Đông Âu đã hé mở ý định tham gia, Luxembourg và Hà Lan cũng thôi phản đối dự luật GAFA về mặt nguyên tắc.

Pháp không phải là nước duy nhất tỏ ra "sốt ruột." Tây Ban Nha ngày 19/10 vừa qua cũng đã thông qua khoản “đánh thuế Google” tại quốc gia này trong dự thảo ngân sách 2019.

Tây Ban Nha hy vọng sẽ thu được 1,2 tỷ euro thông qua việc đánh thuế thu nhập quảng cáo của các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ lớn.

Tuy nhiên, tại châu Âu, vấn đề “thuế kỹ thuật số” vẫn đang vấp phải sự chống đối, một số nước đã bắn tiếng rằng họ sẵn sàng hành động đơn phương. Hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết Anh chuẩn bị “hành động đơn phương về thuế dịch vụ kỹ thuật số”. Châu Âu là thị trường nước ngoài lớn nhất đối với nhiều công ty công nghệ đa quốc gia. EU ước tính thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp khu vực này thu về khoảng 5 tỉ euro mỗi năm. Song loại thuế mới này có thể tác động mạnh mẽ hơn đến lợi nhuận của các ông lớn công nghệ kinh doanh ở châu Á, nơi có mức tăng trưởng nhanh hơn và số người sử dụng Internet lớn hơn.

Những bên phản đối “thuế kỹ thuật số”, bao gồm các nhà vận động hành lang cho các tập đoàn công nghệ đa quốc gia và các nước có nguồn thu xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số lớn, cho rằng các quy định riêng rẽ của mỗi nước về “thuế kỹ thuật số” sẽ gây tổn thương cho các công ty nhỏ. Họ nói rằng các loại thuế mới có thể dẫn đến tình trạng đánh thuế hai lần vào lợi nhuận của các doanh nghiệp, gây bóp nghẹt thương mại quốc tế và cản trở đầu tư.

Hôm 26-10, Hội đồng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, một tổ chức vận động hành lang ở Washington, đại diện cho các ông lớn công nghệ như Google và Facebook, cảnh báo rằng thuế kỹ thuật số “áp đặt mối đe dọa thực sự lớn đối với các công ty trong mọi lĩnh vực” vì nguy cơ đánh thuế hai lần.