Thứ hai, 28/04/2025 02439448033 VN | EN

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 28/04/2025 Thông tin điện tử

Thứ sáu, 01/09/2017

Đề xuất xem ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm

Đề xuất xem ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm

Doanh nghiệp nội dung số trong nước “khó” khi phải cạnh tranh với các dịch vụ xuyên biên giới, trong khi quy mô và doanh thu của ngành nội dung số được ước tính khá lớn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng Bộ TT&TT nên đề xuất với nhà nước gọi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, từ đó có các ưu đãi cho doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" do Bộ TT&TT tổ chức hôm 15/8/2017, trao đổi về bất cập trong lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng: tổng doanh thu của các công ty vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm tại thị trường Việt Nam. Nếu tính công ty “giả” Việt Nam (như công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm) thì lên đến 15.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó có nguồn thu đến từ quảng cáo và game, phim đang lên. Ngành nội dung số có đặc điểm quan trọng là cạnh tranh với công ty xuyên biên giới nhiều.

Doanh nghiệp nội dung số đang gặp nhiều khó khăn ngay trên thị trường trong nước. Đặc điểm của ngành nội dung số là cung cấp nội dung, dịch vụ xuyên biên giới, chính vì thế các doanh nghiệp nội dung số phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh như Google, Facebook, Apple… Trong khi đó, theo đại diện các doanh nghiệp nội dung số, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sự quản lý chặt chẽ, còn doanh nghiệp nước ngoài lại được hưởng những “đặc ân”. Chẳng hạn, về cấp phép, bình thường doanh nghiệp Việt Nam phải làm theo quy định, sai thì phạt rồi thanh kiểm tra. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài lại không cần như vậy, chẳng hạn như Facebook không phải kiểm duyệt, giải trình khi có nội dung phản động…  

Đặc biệt, vấn đề đóng thuế đang khiến nhiều doanh nghiệp than phiền. Doanh nghiệp Việt Nam đóng tất cả các loại thuế. Trong khi doanh nghiệp xuyên biên giới lại không: không thuế thu nhập cá nhân VAT, không thuế thu nhập doanh nghiệp, không bảo hiểm… Việc phải đóng nhiều loại thuế khiến giá phí dịch vụ bị đội lên vài chục %. Những bất lợi đó càng ngày càng khiến doanh nghiệp Việt Nam teo tóp.

Các doanh nghiệp nội dung số trong nước mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có thể tạo sự công bằng với doanh nghiệp nước ngoài. Nghĩa là các công ty nước ngoài cũng phải có giấy phép hoặc chế tài mạnh mẽ nào đó để các giấy phép thực sự hiệu quả giữa hai bên.

Theo tính toán, quy mô của thị trường nội dung số trong khoảng 5 năm đạt 1 tỷ USD, trong 20 năm là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu như ngành dệt may xuất khẩu 5 tỷ USD thì Việt Nam thu về 10%, khoảng 500 triệu USD. Còn 1 tỷ USD xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài thì thu về khoảng 700 triệu USD, trừ ra các chi phí thì khoảng 500 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu 1 tỷ USD của nội dung số thì giá trị mang về cho Việt Nam tương xứng với 5 tỷ USD của dệt may. Vì vậy, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, đã “mạnh dạn” dự báo trong 5-10 năm tới, nếu ngành nội dung số phát triển thì chỉ đứng sau du lịch, còn lại vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam. Cùng đó ước chừng có 1 triệu lao động sẽ tham gia lĩnh vực này. Bộ TT&TT nên đề xuất với nhà nước gọi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, từ đó có các ưu đãi cho doanh nghiệp.