Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ năm, 06/12/2018

EU muốn Google, Facebook và Twitter gửi báo cáo hàng tháng về tiến độ chống tin giả

Ngày 5/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các biện pháp trong khuôn khổ kế hoạch hành động nhằm chống lại tình trạng bóp méo thông tin trong bối cảnh cuộc bầu cử toàn EU sẽ diễn ra vào mùa xuân tới.

Theo thông báo, các công ty Internet phải gửi báo cáo từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019, khi hàng trăm triệu công dân của 27 quốc gia thành viên EU dự kiến bỏ phiếu bầu ra 705 đại biểu Nghị viện châu Âu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách thị trường số chung Andrus Ansip cho biết nhiều nước thành viên EU đã đưa ra các biện pháp chống lại "tin tức giả", đồng thời nhấn mạnh các nước châu Âu cần phải phối hợp cùng nhau trong cuộc chiến này.

Như vậy, giới chức Liên minh châu Âu (EU) mong muốn rằng các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook và Twitter gửi báo cáo hàng tháng về tiến bộ trong các chiến dịch loại bỏ "tin tức giả" trên các nền tảng của họ trước các cuộc bầu cử của EU vào năm tới.

EU mong muốn các công ty công nghệ Google, Facebook và Twitter gửi báo cáo hàng tháng về tiến bộ trong các chiến dịch loại bỏ "tin tức giả" trên nền tảng của họ trước các cuộc bầu cử của EU.

Các biện pháp khác bao gồm một "hệ thống cảnh báo nhanh" mới, với việc tăng cường ngân sách và bổ sung đội ngũ chuyên gia và các công cụ phân tích dữ liệu. Google, Facebook, Twitter và nhà sản xuất trình duyệt Mozilla là những công ty cho đến nay đã tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử tự nguyện của EU về chống giả mạo thông tin. Google đã thắt chặt các yêu cầu về quảng cáo chính trị ở EU, nhất là đòi hỏi thông tin về người trả tiền quảng cáo và cho phép người dùng xác minh danh tính của họ.

Trong năm tới, EU cũng sẽ nâng mức ngân sách từ 1,9 triệu euro lên 5 triệu euro dành cho hoạt động ứng phó với tình trạng tung tin giả mạo, sai sự thực và nâng cao cảnh giác cho cộng đồng. Quỹ được sử dụng để tăng cường nhân viên và trang thiết bị tại Brussels (Bỉ), cũng như tại các phái đoàn EU ở quốc gia thứ ba.

EU cũng kêu gọi Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác tuân thủ cam kết đảm bảo quảng bá chính trị minh bạch, chặn các tài khoản giả mạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu để xác định các chiến dịch tung tin sai lệch.

EC sẽ làm việc với các cơ quan quản lý dịch vụ truyền thông hình ảnh để giám sát việc thực hiện các cam kết này. EC đặt ra lịch trình cụ thể và yêu cầu các công ty truyền thông cập nhật báo cáo về quá trình thực hiện cam kết trước cuối năm nay.

Thời gian qua, các hãng công nghệ Mỹ đã dành hàng triệu USD, hàng chục nghìn nhân viên cùng những công nghệ tốt nhất của họ trong cuộc chiến chống tin tức giả, tuyên truyền sai lệch và gây hận thù, vốn đang tăng chóng mặt trên các nền tảng số.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách an ninh của EU Julian King cho rằng các hãng công nghệ cần chứng minh các tiến bộ thực sự trong việc thực hiện các cam kết của mình. Nếu không, EC sẽ có thể phải xem xét các lựa chọn khác, bao gồm cả chế tài về luật pháp.

Chiến dịch này được triển khai trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về tình trạng tung tin giả mạo trên mạng Internet nhằm chia rẽ chính trị và cổ xúy cho chủ nghĩa cực đoan. EU cũng tuyên bố đang tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ nền dân chủ và các cuộc tranh luận trực tiếp trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5/2019, cũng như các cuộc bầu cử tại các quốc gia thành viên từ nay tới năm 2020.

Mạng xã hội ngày nay trở thành một phần tất yếu mỗi ngày của hàng trăm triệu người trên thế giới, bởi khả năng kết nối không phân biệt không gian và thời gian. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi" khi tin giả, tin kích động bạo lực được lan truyền một cách khó kiểm soát. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trên toàn thế giới khiến nhu cầu tương tác thông qua mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh không ít người dùng chủ quan, không lường hết những tác động tiêu cực từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều nước trên thế giới viện tới các biện pháp siết chặt quản lý thông tin trên mạng xã hội, để bảo vệ chính người dùng và lợi ích từ việc kết nối mà mạng xã hội mang lại.