Thứ bảy, 27/04/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ bảy, 27/04/2024 Thông tin điện tử

Thứ năm, 27/05/2021

EU yêu cầu quyền tiếp cận thuật toán để kiểm chứng tin giả từ các nền tảng mạng xã hội

Lấy Bộ quy tắc ứng xử được triển khai từ 2018, EU đã yêu cầu các nền tảng công nghệ buộc phải chia sẻ các thuật toán được sử dụng để kiểm chứng thông tin trong nỗ lực chống tin giả đang hoành hành tại Lục địa già.

 

Theo đó, EU đã yêu cầu các hãng công nghệ lớn như Facebook, YouTube và TikTok tăng cường hành động nhằm ngăn chặn thông tin giả mạo, cho phép giới chức tiếp cận dễ dàng hơn các thuật toán mà những công ty này sử dụng cũng như đẩy mạnh hoạt động kiểm chứng thông tin dữ liệu. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm củng cố bộ quy tắc ứng xử chống thông tin giả mạo.

Bộ quy tắc ứng xử này được triển khai từ năm 2018 sau khi xuất hiện các thông tin rằng nhiều nền tảng công nghệ đã tiếp tay cho việc lan truyền tin giả làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Mỹ 2016 và cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh trong cùng năm.

Tình trạng tin giả đang ngày càng trở nên khó kiểm soát đối với các nhà quản lý tại châu Âu.

Các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter, Microsoft ký kết tham gia bộ quy tắc năm 2018 trong khi TikTok và một số công ty khác trong lĩnh vực quảng cáo cũng ký kết vào năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Ủy ban châu Âu (EC) muốn các bên đã ký kết đưa ra thêm các cam kết, vốn không mang tính ràng buộc và dựa trên tinh thần tự nguyện, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, áp lực buộc các công ty phải thực hiện những cam kết này cũng không nhỏ khi mà EU đang chuẩn bị triển khai Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), cho phép các quốc gia áp các mức phạt với những công ty thiếu quyết liệt trong ngăn chặn nạn lan truyền tin giả.

Phó chủ tịch EC Vera Jourova cho rằng khối cần một bộ quy tắc ứng xử "nghiêm ngặt hơn và chi tiết hơn" để nhổ tận gốc những nguy cơ mang tính hệ thống xuất hiện trên các nền tảng công nghệ.

Bà Jourova cho rằng đã đến lúc các công ty công nghệ lớn phải ngừng thói quen tự làm tự quản và dừng mọi hoạt động kiếm lời dựa trên các thông tin sai lệch.

Bà cảnh báo sau khi DSA có hiệu lực, bộ quy tắc ứng xử sẽ trở thành một dạng quy định bán bắt buộc. Hiện DSA đang được Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên thảo luận và có thể sẽ mất thêm 1 năm nữa mới có thể triển khai.

Trong số rất nhiều đề xuất, EU kêu gọi các nền tảng gửi tin nhắn như WhatsApp của Facebook cùng tham gia cam kết ngăn chặn thông tin giả mạo. EC yêu cầu các nền tảng cung cấp báo cáo thường kỳ với những chỉ tiêu rõ ràng trong đánh giá hiệu quả các biện pháp hiện đang áp dụng.

Ngoài ra, EC cũng muốn thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm đại diện của các công ty công nghệ tham gia bộ quy tắc ứng xử, đại diện của các cơ quan ngoại giao EU và các cơ quan quản lý truyền thông của các nước thành viên, cùng giám sát việc thực thi bộ quy tắc.

Các đề xuất này sẽ được EC đưa ra thảo luận cùng các bên ký kết tham gia bộ quy tắc ứng xử. Theo kế hoạch, cuối năm 2021, các bên cũng sẽ phải cung cấp bản dự thảo sửa đổi bộ quy tắc ứng xử để kịp xem xét và đưa vào thực hiện từ đầu năm 2022.

Những đề xuất này, nếu được thông qua, sẽ trao cho EU những quyền hạn chưa từng có tiền lệ trong định hình cách các công ty công nghệ lớn vận hành và làm ăn ở châu Âu.

Cuối năm 2021, Brussels dự định công bố dự thảo quy định về quảng cáo chính trị và quảng cáo trọng tâm nhằm vào khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu cá nhân.

Nguồn: dientungaynay.vn

BBT