Thứ ba, 07/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ ba, 07/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ tư, 14/11/2018

Facebook đang tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ chống tin tức giả mạo

COO Facebook, bà Sheryl Sandberg, theo đó cũng chỉ ra mối quan tâm hàng đầu của Facebook hiện nay là tập trung thật nhiều tiền vốn để xây dựng hệ thống phòng thủ cho riêng mình.

"Nếu mọi người không tin tưởng Facebook, họ sẽ không sử dụng nó. Điều này có nghĩa là công ty phải 'ném tiền' vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ cho riêng mình, ngay cả khi không thể ngăn chặn hoàn toàn."

"Bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là cực kỳ quan trọng vì họ, cũng như các doanh nghiệp sẽ chỉ sử dụng dịch vụ của chúng tôi nếu họ cảm thấy Facebook có thể tin tưởng và việc chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi là an toàn. Đó là lý do chúng tôi cần đầu tư hơn nữa để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật tốt hơn", bà Sandberg cho biết.

Mới đây, Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành của Facebook cho biết mạng xã hội này vừa xóa 1,27 tỷ tài khoản giả mạo trong vòng sáu tháng.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ, Sandberg cho biết hoạt động này được đẩy mạnh nhờ các phương pháp đánh giá thủ công và đánh giá tự động (hỗ trợ bởi học máy, trí tuệ nhân tạo…). 

Facebook hiện đã tăng gấp đôi số người kiểm tra những nội dung do người dùng đăng tải trên News Feed, và con số này hiện đã hơn 20.000 người. Trước đó, đại diện Facebook cũng cho biết có đến 836 triệu nội dung đã bị xóa trong quý đầu tiên của năm 2018.

“Chúng tôi xem xét báo cáo bằng hơn 50 ngôn ngữ, 24 giờ mỗi ngày. Công nghệ học máy tốt hơn và trí thông minh nhân tạo cũng giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc xác định sự lạm dụng. Facebook có một đội bảo mật chuyên tìm hiểu các tài khoản giả mạo tấn công cá nhân khác như thế nào, xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại các cuộc tấn công đó và phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại tiềm ẩn”, Sandberg chia sẻ.

Với sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia bảo mật này, Facebook muốn ngăn chặn sự lây lan của các nội dung độc hại tới người dùng, đồng thời gửi cảnh báo tùy chỉnh tự động tới những tài khoản bị ảnh hưởng.

Facebook ngày nay đã trở thành mạng xã hội phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực. Tuy nhiên, những thông tin giả mạo (fake news) cũng theo đó mà bùng nổ gây nên những hệ lụy đối với đạo đức, lối sống, an ninh, chính trị xã hội nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, cần phải làm rõ thông tin giả mạo trên Facebook, ảnh hưởng và tác hại của nó đến cộng đồng mạng, trên cơ sở đó vạch trần những thủ đoạn của những đối tượng đưa thông tin giả mạo trên Facebook, đề xuất các biện pháp mang tính khả thi nhằm chủ động phòng chống thông tin giả mạo.

Trước những chỉ trích gay gắt thời gian qua vì không kiểm soát được tin tức giả, lạm dụng thông tin cá nhân và can thiệp chính trị trên mạng xã hội của mình, CEO Mark Zuckerberg của Facebook cho biết công ty đã bắt đầu "gột rửa" lại bản thân từ năm 2017 và sẽ tiếp tục hành động đến năm 2019.

CEO Facebook từng nói: "Thách thức cá nhân của tôi đối với năm 2018 là khắc phục các vấn đề quan trọng nhất đối với Facebook, trong đó đưa ra các biện pháp chống lại sự can thiệp bầu cử, bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi bị lạm dụng và gây hại, hoặc đảm bảo mọi người kiểm soát thông tin của họ".

"Tôi dành rất nhiều thời gian cho những vấn đề này. Sau đó tôi sẽ viết một loạt các ghi chú nêu rõ cách tiếp cận của mình cũng như giải pháp để giải quyết nó", Zuckerberg cho biết.

Trong đó, CEO Facebook đặc biệt nhấn mạnh đến các bước đi cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp bầu cử trên Facebook, giữa thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ và bầu cử tổng thống Brazil đang đến gần.

"Tôi sẽ viết về quyền riêng tư, mã hóa và mô hình kinh doanh, sau đó là về quản trị nội dung và các biện pháp thực thi trong những tháng tới", ông nói thêm.

Một khảo sát gần đây cho thấy Facebook đang dần bị người dùng quay lưng sau những bê bối ảnh hưởng đến uy tín gần đây.

Cụ thể, theo một cuộc khảo sát 4.594 người được thực hiện từ ngày 29/5 đến ngày 11/6, có tới 26% người được hỏi cho biết họ đã xóa ứng dụng Facebook ra khỏi điện thoại của mình. Trong số đó, chỉ có 9% số người quyết định tải xuống tất cả thông tin cá nhân trên Facebook, 54% số người tùy chỉnh cài đặt bảo mật trên ứng dụng Facebook và 42% đã tạm ngừng sử dụng mạng xã hội này trong nhiều tuần.

Cuộc khảo sát cho thấy người dùng Facebook từ 18 đến 29 tuổi có xu hướng xóa ứng dụng (44%) nhiều hơn so với những người từ 65 tuổi trở lên (12%).

Không có nhiều sự khác biệt giữa hai độ tuổi khi quyết định tạm dừng sử dụng mạng xã hội này, 40% người trẻ và 47% người lớn tuổi thực hiện.

Kết quả khảo sát này cho thấy người dùng đang dần quay lưng với Facebook kể từ vụ bê bối lạm dụng dữ liệu cá nhân Cambridge Analytica bùng nổ hồi tháng 3. Thời điểm đó, khoảng 87 triệu tài khoản Facebook đã bị khai thác thông tin cá nhân mà không có sự cho phép của người dùng. Điều này đã khiến cho mạng xã hội lớn nhất thế giới bị chỉ trích và phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, một nghiên cứu từ trung tâm Pew cho thấy các thành viên đảng thuộc Cộng hòa và Dân chủ đều có xu hướng tạm ngừng sử dụng Facebook hoặc xóa ứng dụng khỏi điện thoại tương đương nhau.