Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 10/12/2018

Facebook đang xung đột với chính phủ nhiều nước trên thế giới

Liên minh quốc tế bao gồm quan chức chính phủ từ 8 nước đã gửi thư đến Mark Zuckerberg, kêu gọi CEO Facebook ra điều trần. Tuy nhiên, CEO Facebook cho biết sẽ không tham dự phiên điều trần này, mà cử Richard Allan, Phó Chủ tịch các giải pháp chính sách, thay Mark Zuckerberg.

Richard Allan sẽ thay Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi tại phiên điều trần với sự tham gia của các nhà lập pháp hàng đầu đến từ Argentina, Brazil, Canada, Ireland, Latvia, Singapore và Anh. Nhiều quan chức lo ngại về cách xử lý thông tin sai lệch của mạng xã hội này.

Quyết định không ra mặt của Zuckerberg có thể xoáy sâu vào xung đột giữa Facebook với chính phủ khắp thế giới vốn đã tức giận vì các hoạt động kinh doanh của công ty. Rất hiếm khi nào 7 quốc gia cùng tập hợp và đặt câu hỏi cho một giám đốc, cho thấy nguy cơ chịu sự quản lý chặt chẽ và đòn trừng phạt là khá lớn với Facebook và các hãng công nghệ khác.

Trước đó, khi được hỏi Zuckerberg có cân nhắc giải quyết các câu hỏi của hội đồng từ xa hay không, đại diện Facebook viết trong email rằng: “Chúng tôi chưa có gì chia sẻ ở thời điểm này nhưng sẽ cho các bạn biết thêm nếu có thay đổi”. Facebook lặp lại luận điểm người sáng lập mạng xã hội đã xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu trong thư gửi ngày 2/11. “Ngài Zuckerberg không thể xuất hiện trước tất cả quốc hội được”. Đây cũng là hai lần có mặt duy nhất của CEO Facebook kể từ sau khi bê bối dữ liệu Cambridge Analytica nổ ra.

Thành viên của “đại hội đồng quốc tế” tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách liên minh cùng nhau, mời Zuckerberg đến gặp họ cùng một lúc thay vì riêng lẻ. Tuy vậy, CEO Facebook vẫn từ chối xuất hiện.

Tại châu Âu, nhà chức trách đã bắt đầu nhằm vào cách doanh nghiệp mạng xã hội xử lý dữ liệu cán hân và đối phó phát ngôn thù địch, khủng bố trực tuyến. Liên minh châu Âu trước đó cũng đã triệu tập được Facebook đến phiên điều trần chớp nhoáng hồi tháng 5. Trong khi đó, tại Brazil, Facebook phải chống lại thông tin giả mạo trên các nền tảng mà mình sở hữu trong cuộc bầu cử gần đây, còn WhatsApp lại bị cho là lan truyền thông tin sai lệch.

Các nhà lập pháp từ 7 nước bảo lưu quan điểm: Mark Zuckerberg là người phù hợp để trả lời các câu hỏi quan trọng về bảo mật, an toàn và chia sẻ dữ liệu. Làn sóng yêu cầu điều trần Zuckerberg bắt đầu từ đầu năm nay tại Anh, nơi ông Damian Collins, người đứng đầu ủy ban nghị viện về công nghệ, điều tra Facebook vì các hành vi sai trái, bao gồm cả quan hệ với hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica có hành vi xâm phạm dữ liệu trái phép của khoảng 87 triệu người dùng Facebook. Anh đã phạt Facebook nửa triệu bảng nhưng Facebook vừa kháng cáo. Zuckerberg liên tục từ chối xuất hiện trước các nhà lập pháp Anh.

Sau scandal rò rỉ dữ liệu 50 triệu tài khoản người dùng, Facebook tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng khi ngày càng nhiều vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng bị phơi bày. Bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook liên quan đến Cambridge Analytica tiếp tục nóng lên trong tuần này. Nhiều thông tin cho thấy, ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu.

Con số đã tăng 37 triệu so với 50 triệu người dùng bị rò rỉ dữ liệu được phanh phui hôm 17/3. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Việt Nam có 427.446 tài khoản người dùng bị thu thập dữ liệu.

CEO Mark Zuckerberg thừa nhận rằng Facebook đã mắc sai lầm và công ty của ông đã thất bại trong việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng, đánh mất niềm tin của người dùng.

"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi không xứng đáng được phục vụ các bạn.", Zuckerberg viết trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân sau bê bối.

Tuy nhiên, Zuckerberg cho biết, để xử lý vấn đề bảo mật người dùng, Facebook phải cần đến vài năm nữa. “Tôi ước gì tôi có thể giải quyết tất cả những vấn đề này trong ba tháng hoặc sáu tháng, nhưng thực tế, cần cả một khoảng thời gian dài”, Mark Zuckerberg chia sẻ.

Ngoài tất cả các thông tin được yêu cầu khai báo khi sử dụng các dịch vụ của Facebook, công ty này có thể đã âm thầm lưu trữ nhiều thông tin cá nhân của người dùng.

Sau bê bối, nhiều người đã phát hiện ra rằng, vấn đề dữ liệu cá nhân không chỉ gói gọn trong scandal Cambridge Analytica.

Tất cả những thao tác "thích", "bình luận", "chia sẻ" hay những "tự khai" (khoe với bạn bè) rằng bạn đang ở đâu, đang làm gì..., kể cả các nội dung được bạn đưa lên, trả lời bạn bè trên Facebook cũng lưu lại chi tiết. Cộng thêm các dữ liệu mà bạn đã cung cấp khi đăng ký vào mạng trước đó như tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, đã học ở đâu, đang làm gì,... mà Facebook cố tình yêu cầu.