Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ bảy, 08/12/2018

Hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội đối với trẻ em

Mạng xã hội đang được phổ cập ngày càng rộng rãi ở nước ta, tuy nhiên việc xử lý các hành vi vi phạm về an ninh thông tin, nhất là trên lĩnh vực internet, mạng xã hội hiện còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, môi trường mạng hiện nay rất quen thuộc với đối tượng thanh thiếu niên. Nhưng thực trạng là các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng thì đã không thể kiểm soát cũng như phân loại và cảnh báo kịp thời về các nội dung xấu được nêu trên mạng. Đối tượng là trẻ em thì có nguy cơ bị xâm hại, bị bóc lột, bị lừa đảo mất thời gian, mất tiền bạc và gây hậu quả không tốt với sức khoẻ, nhân cách cũng như tinh thần của trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách

Những vụ việc lộ lọt thông tin bí mật, tung tin đồn thất thiệt, tin chống phá chế độ, xâm hại đời tư... trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp cũng như có trường hợp ảnh hưởng đến an ninh trật tự diễn ra ngày càng nhiều. Đã có một số trường hợp thanh thiếu niên đã phải tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.

Bản chất internet là môi trường mở cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý và kiểm soát. Tính ưu trội của mạng xã hội với sự đa dạng của các trang mạng xã hội được sử dụng hiện nay như: Facebook, Google, Twitter, Youtube, Zalo, …  còn tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi. Đây là tính năng đặc biệt hấp dẫn đối với những người sử dụng.

Bên cạnh đó, internet được ví như con dao 2 lưỡi chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cũng được tán phát lên các trang thông tin điện tử (website), blog, mạng xã hội, trên phần phản hồi (comment) của các báo điện tử…

Mạng xã hội là môi trường thuận lợi cho những thông tin, hình ảnh, video clip có nội dung tha hóa về đạo đức hoành hành. Sử dụng mạng xã hội có thể bắt gặp hàng ngày, hàng giờ những thông tin về trộm cắp, giết người, lừa đảo, ăn chơi sa đọa, sự vô tâm, vô cảm… Tất cả điều này đều gây ra những tác động tiêu cực tới đạo đức, lối sống của người dùng.

Lợi dụng lòng tốt của cộng đồng, hay mạo danh tổ chức, người nổi tiếng để lang chuyền những thông tin không đúng sự thật. Với trẻ nhỏ, các em chỉ biết là thấy xấu thì phê phán,thấy tốt thì thích, chia sẽ. Điều đó vô tình tiếp tay cho người xấu, thực hiện ý định không tốt của mình. Tuy đối tượng làm tin giả nhắm đến là các doanh nghiệp tổ chức, người nổi tiếng là chủ yếu. Nhưng điều đó không có nghĩa những đứa trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng.

Trẻ em và thanh niên là nhóm phải đối mặt với nhiều loại rủi ro trên mạng nhất như: Bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt, bôi xấu, bị lợi dụng, xỉ nhục người khác, tiếp cận các ấn phẩm không lành mạnh... Càng ngày, các rủi ro càng đa dạng, không thể lường hết và không chừa một ai.

Trẻ em thường dễ bị xâm hại trên môi trường mạng do các em chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Trẻ em hiện nay được tiếp cận sớm với công nghệ và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng nên nhiều bậc phụ huynh gặp khó trong việc giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.

Chính vì thế, chúng ta cần chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh; tăng cường kiểm soát, hạn chế thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội, nhất là thông tin đối với trẻ em. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.

Có các biện pháp để xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng tải bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.