Thứ sáu, 03/05/2024 0243.9448034 - 0243.9448035 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 03/05/2024 Thông tin điện tử

Thứ hai, 10/12/2018

Hàn Quốc có thể yêu cầu các ISP chặn bất kỳ nội dung nào không phù hợp

Hàn Quốc với mô hình quản lý nhà nước “trọn gói”, trong đó các chính sách quản lý nội dung đều được lập chi tiết. Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn bất kỳ nội dung nào không phù hợp hoặc có hại, và rất ít trường hợp phản đối nếu quyết định gỡ bỏ nội dung đã được cơ quan quản lý đưa ra.

Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ phổ cập Internet lớn nhất trên thế giới, đồng thời, có mạng xã hội Cyworld ra đời trước khi Mark Zukerberg bắt đầu triển khai Facebook tới 5 năm, và dẫn đầu thế giới về lĩnh vực trò chơi video trực tuyến.

Một kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu thị trường Pew (Mỹ) cho biết có tới 94% số người trưởng thành tại Hàn Quốc sử dụng điện thoại thông minh và quốc gia này đã trở thành nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh.

Cuộc điều tra được thực hiện với hơn 40.000 người tại 37 quốc gia, cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc trưởng thành thì 9 người sử dụng Internet và sở hữu một điện thoại thông minh. Đứng thứ hai sau Hàn Quốc là Israel (83%). Tiếp đó là các nước Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Liban, Tây Ban Nha và Mỹ.

Cũng theo cuộc điều tra trên, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng Internet tại Hàn Quốc cũng ở mức cao nhất thế giới, đạt 96%. Tỷ lệ này được xác định dựa vào số người Hàn Quốc sử dụng Internet ít nhất cũng ở mức "thi thoảng" truy cập, hoặc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Đứng thứ 2 về tỷ lệ này là Hà Lan và Australia (đều cùng ở mức 93%); tiếp đó là Thụy Điển (92%), Canada (91%), Mỹ (89%)...

Theo Pew, Hàn Quốc là một xã hội được kết nối chặt chẽ nhất trong số những nước được điều tra. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội (SNS) tại quốc gia này ngang bằng với Mỹ và Australia, và chỉ đứng sau Jordan và Liban.

Chính sách kiểm duyệt nội dung trên mạng Internet cũng được Hàn Quốc kiểm soát rất chặt chẽ. Mỗi tuần, một số trang web của Hàn Quốc lại bị gỡ xuống do vi phạm chương trình kiểm duyệt của chính phủ. Năm 2013, khoảng 23.000 trang web của Hàn Quốc đã bị xóa sổ, và 63.000 trang khác bị chặn, theo yêu cầu của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCSC), một cơ quan trên danh nghĩa hoạt động độc lập, nhưng thực chất là do chính phủ nước này điều khiển.

Trong năm 2009, KCSC đã xoá sổ 4.500 trang web. Mục tiêu mà cơ quan này nhắm vào chủ yếu là các nội dung khiêu dâm, mại dâm và cờ bạc, vốn được coi là bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, trẻ chưa đủ 16 tuổi bị cấm chơi game online từ 12h00 đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Nhà chức trách sẽ kiểm tra tuổi của người chơi thông qua số ID mà họ được Chính phủ cấp.

Mặc dầu Chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu nới lỏng một số đạo luật hạn chế, nhưng họ lại đẩy mạnh giám sát của các phương tiện truyền thông xã hội. Năm 2011, KCSC đã thành lập một tiểu ban đặc biệt giám sát các phương tiện truyền thông xã hội, và ngay năm sau, cơ quan này yêu cầu gỡ bỏ 4.500 bình luận trên Twitter và Facebook, con số này cao gấp 13 lần so với năm 2010. Năm 2013, số lượng bình luận bị xóa tiếp tục tăng lên 6.400.

KCSC có vị trí rất quan trọng trong quản lý báo chí truyền thông ở Hàn Quốc. Cơ quan này đưa ra kết luận những sai phạm của cơ quan báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí truyền thông vi phạm phải nộp phạt theo quy định của pháp luật Hàn Quốc.

Từ năm 2010 đến nay, KCSC đã xử lý 16 vụ sai phạm của các cơ quan báo chí truyền thông Hàn Quốc. Đặc biệt, ngày 28/12/2017, KCSC đã đưa ra: "Quy tắc của KCSC là ngăn cấm mọi hành vi miêu tả, tô điểm và/hoặc phán xét một sự việc tự tử nào đó. Các kênh truyền thông cũng bị ngăn cấm suy đoán nguyên nhân của vụ tự sát hay tự cho rằng nguyên nhân của sự ra đi là tự tử mà không có bằng chứng."

Đây được coi là động thái vô cùng cứng rắn của KCSC trong việc xử lý nghiêm các cơ quan báo chí truyền thông khi đưa tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, xâm hại đời tư, gây hoang mang dư luận, nhất là việc báo chí đưa tin một cách "thái quá" và thổi phòng sự kiện.